Nhằm ngăn chặn tình trạng di cư tự do, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát đường biên, tuyên truyền để người dân hiểu, từ đó tự giác chấp hành pháp luật, không di cư tự do. Đồng thời, tích cực phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tỉnh Sơn La có hơn 274km đường biên giới chạy qua 6 huyện, tiếp giáp với 2 tỉnh Hủa Phăn và Luông Phra Băng (Lào), trong đó đồng bào các dân tộc: Thái, Mường, Mông, Khơ Mú, Sinh Mun... chiếm hơn 86%. Qua rà soát, từ năm 2010-2022, tại khu vực biên giới của tỉnh Sơn La có 269 hộ với 1.301 khẩu và 102 khẩu lẻ di cư tự do. Các hộ di cư chủ yếu ở địa bàn xã Mường Lạn, Mường Lèo, Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp); xã Mường Cai và Mường Sai (huyện Sông Mã); xã Chiềng Tương (huyện Yên Châu); xã Tân Xuân (huyện Vân Hồ), đây là các xã có đông đồng bào Mông sinh sống.
 |
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) tuyên truyền cho người dân bản Huổi Pá (xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp) không di cư tự do.
|
Nguyên nhân của tình trạng di cư trái phép trên địa bàn biên giới tỉnh Sơn La xuất phát từ sự hạn chế về nhận thức, thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các đối tượng xấu ở nước ngoài lợi dụng vấn đề dân tộc, phong tục tập quán của đồng bào để tuyên truyền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc Mông di cư trái phép sang Lào, Myanmar, Thái Lan...
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2010-2018, trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Sơn La đã xảy ra hiện tượng đồng bào di cư tự do đến huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), đi các tỉnh Tây Nguyên... gây mất an ninh-trật tự, khó khăn cho công tác quản lý và an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số; ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, việc sắp xếp, bố trí cho các hộ hồi cư ổn định cuộc sống cũng gặp khó khăn.
Trên địa bàn xã Mường Lèo (huyện Sốp Cộp) có 13 bản, trong đó có 7 bản biên giới tiếp giáp với huyện Mường Son (tỉnh Houaphanh) và cụm Nà Luông (huyện Phonthong, tỉnh Luang Prabang). Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã Mường Lèo có 15 hộ với 77 khẩu và 7 khẩu lẻ di cư đi nơi khác. Trước thực trạng trên, Đồn Biên phòng Mường Lèo (BĐBP tỉnh Sơn La) thường xuyên tuyên truyền để bà con không di cư tự do.
Thượng tá Hoàng Văn Giáp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lèo cho biết: “Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức 102 buổi tuyên truyền cho gần 2.000 lượt người dân; tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn số hộ, khẩu di cư trên biên giới. Tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa cho quần chúng nhân dân. Triển khai các mô hình phát triển kinh tế như: Trồng cây chanh leo, cây dược liệu, cây lấy gỗ... trên địa bàn các bản: Sam Quảng, Pá Khoang, Huổi Lạ, Huổi Áng và Bản Mạt để tạo việc làm cho nhân dân. Đồng thời phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để vận động, thuyết phục từng gia đình không vượt biên trái phép, không du canh du cư, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế”.
Còn tại xã Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp), từ đầu năm đến nay, toàn xã có 3 hộ với 22 nhân khẩu người dân tộc Mông di cư tự do đi Lào, Myanmar. Trước khi di cư, tất cả các hộ đều bán tài sản, nhượng lại đất đai cho người thân để làm chi phí đến nơi ở mới làm ăn, sinh sống.
Đồng chí Tòng Văn Biêng, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh thông tin: “Tình trạng di cư tự do của một số hộ dân trong xã không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, gây mất an ninh-trật tự trên địa bàn. Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền chính sách, pháp luật để người dân yên tâm ở lại xây dựng quê hương nhưng vẫn còn một số đồng bào Mông có ý định di cư tự do. Để thay đổi tư duy, nhận thức của bà con, về lâu dài, Nhà nước cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội và các dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức về pháp luật”.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp bà con nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lôi kéo, kích động đồng bào di cư tự do gắn với truyền đạo trái phép, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị... Đồng thời tham mưu cho địa phương đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án, đầu tư, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, hỗ trợ người dân hồi cư, ổn định cuộc sống, góp phần ổn định an ninh chính trị ở địa bàn khu vực biên giới...”.
Để ngăn ngừa, giảm tình trạng di cư tự do, thời gian tới, BĐBP tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; đẩy mạnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, phát hiện, vạch trần âm mưu, thủ đoạn, xử lý nghiêm những đối tượng kích động, lôi kéo bà con vượt biên, di cư tự do.
Bài và ảnh: PHAN THẢO
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.