Trong quá trình thực hiện cải chính, có một bộ phận người dân băn khoăn, không muốn chuyển, tuy nhiên, bằng sự giải thích, tuyên truyền, vận động thấu lý đạt tình và triển khai nhiều biện pháp của các cấp, ngành, địa phương, hiện nay đã có hơn 80% đồng bào dân tộc San Chí, Sán Chí trên địa bàn thực hiện cải chính dân tộc để làm CCCD.
Những ngày qua, nhiều người dân ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa đã chủ động đến trụ sở UBND xã cải chính thành phần dân tộc từ San Chí, Sán Chí thành Sán Chỉ. Theo Đại úy Đường Ngọc Biển, Trưởng công an xã Phú Đình, địa phương hiện có hơn 1.300 người dân tộc Sán Chí, San Chí cần phải cải chính thành phần dân tộc để làm CCCD. Đến nay, phần lớn những trường hợp này đã làm thủ tục cải chính thành phần dân tộc là Sán Chỉ, số còn lại chưa thực hiện được vì nhiều lý do như đi làm ăn xa nhà và cũng có một số người lớn tuổi chưa muốn cải chính vì còn băn khoăn sợ “mất gốc”.
    |
 |
Sau khi được tuyên truyền, vận động, người cao tuổi trong xã Phú Đình (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đã đồng thuận cải chính dân tộc để làm căn cước công dân. |
Nằm trong nhóm những người cuối cùng đi cải chính dân tộc để làm CCCD, ông Trần Văn Vì ở xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình băn khoăn: “Theo hướng dẫn của các cấp, ngành, bà con đã làm thủ tục cải chính thành phần dân tộc phục vụ làm CCCD. Thành phần dân tộc Sán Chí, San Chí đã có từ trước năm 1979, hơn nữa, ngôn ngữ và văn hóa của hai thành phần dân tộc này với dân tộc Sán Chỉ có sự khác nhau... Nếu cải chính theo quy định hiện nay, tôi sợ sẽ không còn giữ được truyền thống văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, khi được cán bộ về tận xóm, đi từng nhà để tuyên truyền, giải thích cặn kẽ rằng người dân thực hiện cải chính là để bảo đảm quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Từ đó, chúng tôi đồng thuận làm theo”.
Được biết, trước băn khoăn của người dân, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) hướng dẫn xác định tên gọi dân tộc. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có văn bản về việc hướng dẫn nghiệp vụ, trong đó nêu rõ: “Người dân có các giấy tờ hộ tịch đã được cấp trước đây ghi thành phần dân tộc là Sán Chí, San Chí, nhưng trong danh mục các dân tộc Việt Nam chỉ có thành phần dân tộc Sán Chỉ, cho nên xác định là có sai sót trong việc ghi thành phần dân tộc”. Cùng với đó, Văn bản số 495/BDT-TTĐB của Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên về việc xác định nhóm dân tộc cho những người đã được ghi là dân tộc Sán Chí, San Chí cũng xác định Sán Chí và San Chí chính là dân tộc Sán Chỉ (tên gọi khác) thuộc nhóm dân tộc Sán Chay. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, ngày 21-5-2021, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên ban hành Văn bản số 521/STP-HCTP nêu rõ: Đối với các trường hợp người dân có các giấy tờ hộ tịch đã được cấp, ghi thành phần dân tộc Sán Chí, San Chí thì sẽ được cải chính là Sán Chỉ. Khi cải chính thành phần dân tộc, ghi tên dân tộc nhóm nhỏ (Sán Chí, San Chí) trước, sau đó ghi tên chính thức của dân tộc (Sán Chỉ) trong ngoặc đơn, để không gây xáo trộn về hồ sơ, giấy tờ hộ tịch công dân đã cấp trước đây.
Dựa vào căn cứ trên, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc cải chính dân tộc, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp hướng dẫn hồ sơ thực hiện cải chính thành phần dân tộc San Chí, Sán Chí cho các xã, thị trấn. Từ đây, việc cải chính thành phần dân tộc cho người dân tộc San Chí, Sán Chí thành Sán Chỉ được triển khai trên địa bàn toàn huyện. Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình cho biết: “Khi mới triển khai, bà con băn khoăn và thắc mắc về việc cải chính thành phần dân tộc. Bà con mong muốn nếu phải cải chính thì được cải chính sang thành dân tộc Sán Chay, vì người San Chí có ngôn ngữ, văn hóa tương đồng với người Sán Chay. Chúng tôi đã phải đến từng xóm để vận động, thuyết phục người dân”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Bính, Trưởng phòng Dân tộc huyện Định Hóa cho biết: “Không chỉ riêng xã Phú Đình, sau khi có chủ trương, tất cả các xã khác trong huyện đều làm tốt công tác cải chính dân tộc. Bản thân tôi cũng là người dân tộc San Chí, để làm gương cho bà con, tôi là một trong những người đầu tiên cải chính dân tộc. Các thành phần dân tộc đã được Nhà nước quy định cụ thể và việc xác định thành phần dân tộc được căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau như: Ngôn ngữ, văn hóa, đặc điểm cư trú... tức là dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Bởi vậy, bên cạnh áp dụng những quy định cho bà con thì công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, chúng tôi vẫn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con bởi dân tộc là điều thiêng liêng và mang giá trị tinh thần rất lớn, không chỉ đối với mỗi cá nhân mà đối với cả một cộng đồng”.
Bài và ảnh: HỒNG THỊNH TRANG