Ở đó, cuộc sống của bà con là chuỗi những ngày dài khó khăn với các phong tục, tập quán và hủ tục. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ vào các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS mà cuộc sống của đồng bào Cống đang từng ngày đổi thay về tư duy, nhận thức, về ý chí, nghị lực vươn lên để xây dựng cuộc sống mới.

Ở huyện Mường Tè, đồng bào dân tộc Cống chủ yếu sinh sống ở xã Nậm Khao. Đã có một thời, cùng với đồng bào Mảng, La Hủ, Cờ Lao, đồng bào Cống đứng trước nguy cơ tụt hậu, trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục, hủ tục còn tồn tại. Tuy nhiên, với các chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng sự vào cuộc tích cực của địa phương mà cuộc sống của bà con đang dần "thay da đổi thịt". Những năm qua, nhờ thực hiện Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, cùng với đó là các nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, Chương trình 135 hỗ trợ giảm nghèo bền vững mà cuộc sống của đồng bào Cống trên địa bàn huyện Mường Tè có những thay đổi rõ rệt.

Phụ nữ dân tộc Cống với trang phục truyền thống. Ảnh minh họa: baodantoc.vn

Nậm Khao trước đây rất khó khăn, nhưng nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông Chang Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Nậm Khao cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đến nay, đồng bào dân tộc Cống ở Nậm Khao đã có đường sá đi lại thuận lợi nên đời sống của bà con nhân dân cũng từng bước được nâng lên, các cháu được đi học đầy đủ. Bà con nhân dân khi ốm đau được khám, chữa bệnh, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Các phong tục, tập quán lạc hậu cũng từng bước được thay đổi, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, trình độ dân trí cũng từng bước được nâng lên”.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà hiện nay, ở Nậm Khao, nhiều hộ dân đã biết cách phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Gia đình ông Chang A Xé ở bản Xám Láng là một trong những hộ đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở xã Nậm Khao. Có lẽ vì đã “thấm” cái đói, cái nghèo, nên khi được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, ông Xé đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế trang trại. Ông Xé cho biết: “Được Nhà nước cho vay vốn và sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã, gia đình tôi đã đầu tư làm chuồng, trại nuôi bò, lợn, nhím, ngỗng... để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, gia đình đã tận dụng diện tích đất bỏ trống, trồng các loại cây đặc sản của địa phương như ớt trung đoàn, đào ao thả cá tạo thành mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng khép kín. Qua đó, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập gần 100 triệu đồng”.

Phát triển kinh tế không chỉ mang lại cuộc sống sung túc hơn cho đồng bào Cống mà trên hết, nó dần thay đổi tư duy làm ăn kinh tế, giúp bà con biết tính toán, có ý chí và nghị lực để vươn lên thoát nghèo. Để tạo nên sự thay đổi này, trước đó, huyện Mường Tè đã xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ đó, các cấp, ban, ngành tập trung tuyên truyền, “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn người dân cách nuôi trồng hiệu quả theo đúng phương pháp, kỹ thuật. Theo đánh giá, kết quả nổi bật nhất trong phát triển kinh tế đối với đồng bào Cống thời gian qua là phương thức sản xuất của bà con từng bước được dịch chuyển theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tiếp cận dần những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Có thể nói rằng, nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào Cống đoàn kết cùng vươn lên tạo dựng cuộc sống mới.

TUỆ ĐĂNG