Mấy ngày nay, cứ vào cuối giờ chiều, khi mặt trời dần khuất sau dãy núi là trưởng bản Giàng A Sinh lại ra hồ treo, chứng kiến cảnh bà con tấp nập lấy nước về dùng, ông vui lắm. Phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn khung cảnh núi non hùng vĩ nơi cao nguyên đá của quê hương, trưởng bản Sinh càng phấn khởi.

“Thế là mong ước bấy lâu của bà con trong bản đã trở thành hiện thực. Từ nay, người dân trong bản không còn nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô hạn nữa rồi...”, ông Sinh thầm nghĩ.

Sinh sống ở vùng núi cao, bên cạnh khó khăn về điều kiện khí hậu thời tiết, giao thông không thuận tiện thì hơn 80 hộ dân nơi ông Giàng A Sinh làm trưởng bản còn rất vất vả vì thiếu nước sinh hoạt. Để có nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, bà con phải hứng nước mưa hoặc đi bộ cả nửa ngày tìm đến các con suối, mạch nước từ khe núi gùi nước về nhà. Vào mùa khô hạn, nhiều gia đình phải dùng nước không hợp vệ sinh, khiến phát sinh các loại bệnh về đường tiêu hóa...

Thấu hiểu khó khăn, nguyện vọng của bà con, từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, Nhà nước đã đầu tư xây dựng một hồ treo chứa nước với dung tích hơn 3.000m3. Nước từ hồ treo được dẫn qua bể lọc, bảo đảm hợp vệ sinh. Kể từ ngày có hồ nước, bà con trong bản thường tập trung gùi, gánh nước vào buổi chiều, không khí tấp nập, vui như trảy hội...

Sau trận mưa lớn vào buổi sáng, xảy ra sự cố nước mưa cuốn theo đất đá từ trên sườn núi tràn vào hồ treo, chiều hôm ấy, khi đi kiểm tra thực địa để tìm hướng xử lý thì trưởng bản Giàng A Sinh thấy mấy đứa con nhà chị Mua đang thi nhau múc nước từ hồ treo để tắm, có đứa khoái chí còn thò cả chân xuống hồ vùng vẫy. Chị Mua cũng đang rửa một rổ rau khá to.

Chị đặt cả chậu lên thành hồ treo, vừa múc nước vừa rửa. Nước rửa rau, nước tắm của đám trẻ chảy tràn vào hồ nước. Trưởng bản Sinh vội chạy tới và nói lớn: “Ai cho các cháu tắm ở đây? Cả chị nữa, sao lại rửa rau trong khu vực hồ treo. Chị không đọc nội quy à?”.

Chị Mua đã được tuyên truyền nhiều lần, bảng nội quy vận hành hồ treo cũng ghi rõ người dân chỉ được lấy nước sau bể lọc, không được tắm giặt, sinh hoạt ở khu vực hồ treo, nhưng hôm nay do bận nhiều việc, chị “tranh thủ” cho con tắm và rửa rau tại hồ để đỡ phải gánh nước về nhà. Biết mình làm sai, chị Mua lí nhí: “Tôi... tôi... biết lỗi rồi... Tôi xin rút kinh nghiệm”.

Thấy chị Mua nhận lỗi với thái độ cầu thị, ông Sinh chậm rãi phân tích: “Hồ treo là công trình chứa nước quan trọng phục vụ dân bản, có nội quy vận hành rõ ràng, mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ, không được tắm giặt, sinh hoạt tại hồ mà chỉ được lấy nước về nhà để tránh ô nhiễm nguồn nước. Bảo vệ hồ treo chính là bảo vệ sức khỏe của mỗi chúng ta...”.

Chị Mua nghe trưởng bản Sinh nói thì gật đầu liên tục. Chị biết hồ treo đang gặp sự cố do đất đá tràn vào, ngày mai, theo lời ông Sinh, cả bản sẽ cùng nhau vệ sinh hồ treo, khai thông đường thoát nước phía trên sườn núi để nước mưa cùng đất đá không tràn vào bể, nhất định chị sẽ tham gia...

THANH DUNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.