Ông Thào chạy vội ra, thấy đám thanh niên lạ hoắc, trông dữ dằn, tự tiện đẩy cổng bước vào. Một tay đầu trọc, nom bặm trợn nhất nói: “Nhà bà Dếnh có con gái tên Tuyết phải không? Ông là ông Thào đúng không?”. Nói rồi, chẳng cần đợi ông mời vào nhà, tên đi đầu đã chạy xồng xộc vào trong, quát: “Bà Dếnh đâu rồi, đến hẹn trả tiền cả tháng nay mà chẳng thấy đâu vậy? Định “bùng” à?”. Ông Thào nghe thấy chuyện tiền nong, nợ nần, rồi thấy dính dáng đến đám ngoài thị trấn, liền chạy vào trong gọi: “Bà ra xem có liên quan gì đến tiền nong mà để chúng nó kéo đến nhà đúng lúc giữa trưa thế?”. Bà Dếnh cùng con gái nghe tiếng gọi thì chạy ra, lắp bắp hỏi: “Các anh là ai? Tìm tôi có việc gì thế?”. “Bà không biết thật hay giả vờ thế? Tôi là em của chị Liễu làm “tín dụng” ngoài thị trấn, bà nhớ chứ?”. Nghe đến đây, mặt bà Dếnh tái nhợt, người run bần bật. Rồi như sợ ông Thào biết chuyện, bà lại gần, níu tay gã thanh niên: “Anh ra ngoài này tôi nói nhỏ được không?”. “Không nhỏ to gì hết. Tóm lại là mang tiền ra đây, tổng cộng là 40 triệu đồng”.
    |
 |
Minh họa: Báo Pháp luật Việt Nam |
Cô Tuyết lúc này mới lên tiếng: “Các anh tính kiểu gì mà 40 triệu đồng? Định cắt cổ người ta à?”. “Thế là nhẹ đấy! Vay 20 triệu đồng, hơn nửa năm rồi, quá hạn một tháng, lên thành 40 triệu đồng là còn ít đấy”, gã đầu trọc quắc mắt, ném cái nhìn dữ tợn về phía cô Tuyết. Nghe gã đòi nợ thuê nói xong, bà Dếnh quỳ xuống, khóc tu tu: “Nhà tôi giờ chưa đủ tiền trả, các anh cứ về đi rồi cuối tuần tôi thu xếp trả cả gốc lẫn lãi”. Nhưng tên đầu trọc gằn lên: “Bà nói hay nhỉ? Chúng tôi đi cả toán xuống đây để nghe bà trình bày à? Tốt nhất có bao nhiêu mang hết ra đây, nếu không chúng tôi trải chiếu ra nằm ở cổng đấy”. Nhìn mặt đám du côn, biết chúng nói là làm, bà Dếnh lật đật vừa thút thít khóc, vừa vào phòng lục tủ mang ra xấp tiền cả chẵn cả lẻ, đếm mãi được hơn chục triệu đồng đưa cho tên đầu trọc: “Cả nhà tôi còn có ngần này, các anh cầm giúp. Tôi hứa sang tuần tôi sẽ đến gặp chị Liễu trả đầy đủ”. Tên trưởng nhóm đếm qua rồi đút túi, hất hàm "đi!".
Đợi đám du côn đi khỏi, ông Thào mới gọi hai mẹ con vào nhà, yêu cầu kể lại đầu đuôi sự việc. Biết không giấu được nữa, bà Dếnh đành khai thật: “Năm ngoái, thấy làm ăn thất bát, chăn nuôi toàn gặp dịch bệnh, con Tuyết tình duyên chẳng ra sao nên mẹ con tôi nghe người mách đi ra thị trấn xem bói. Thầy bảo hai mẹ con kiếp trước gây nghiệp chướng nên phải giải nghiệp. Nhà không có tiền, vay người quen không được, nên thấy có người mách, tôi đánh liều đi vay 20 triệu đồng lãi ngày để nhờ thầy giải hạn cho. Tưởng là giải nghiệp xong thì làm ăn tấn tới, nào ngờ...”.
Vừa nghe đến đó, ông Thào quát ầm lên. Hai mẹ con bà Dếnh sợ quá chạy vội sang nhà bà Phểnh, cán bộ hòa giải để lánh mặt. Lát sau, bà Phểnh cùng mấy hội viên phụ nữ đến gặp ông Thào để nói chuyện. Biết ông còn bức xúc, bà Phểnh chủ động: “Đầu đuôi câu chuyện chúng tôi đã nghe bà Dếnh kể hết rồi. Thôi thì ai cũng có lúc lầm lỗi, cũng chỉ tại trình độ nhận thức còn kém, lại bị lôi kéo, rủ rê nên mới thành ra thế. Giờ có giận, có trách cũng chẳng lấy lại được. Chị em chúng tôi đã bàn bạc, trước mắt sẽ giúp nhà ta vay vốn của bên hội phụ nữ và hội nông dân để trả số tiền vay “nóng” kia. Đợi đến lứa lợn tới nhà mình xuất chuồng sẽ lấy tiền trả dần cho quỹ. Thôi thì công nợ trả dần, quan trọng nhất là hạnh phúc gia đình ông ạ. Mà bà Dếnh cũng nên báo với các anh công an xã để các anh ấy biết là có cái đám cho vay nặng lãi trên thị trấn...”.
Ông Thào ngồi im không nói gì, quay sang nhìn vợ và con gái. Hai mẹ con mặt vẫn cúi gằm, đầy vẻ ân hận. Lát sau, ông mới dịu giọng: “Cảm ơn các bà trong tổ hòa giải. Được vậy thì tốt quá. Các bà phải tích cực tuyên truyền, vận động để bản ta không còn ai rơi vào cảnh ngộ như của gia đình tôi nữa nhé...”.
CHIẾN VĂN