Thời gian qua, chính quyền các địa phương cùng cơ quan, ban, ngành thành phố đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) giảm nhanh. Tính đến nay, toàn thành phố chỉ còn 39/193 hộ nghèo là người DTTS (chiếm tỷ lệ 20,2%); hộ cận nghèo người DTTS là 119/574 hộ (chiếm tỷ lệ 20,7%).

Một góc TP Bảo Lộc. Ảnh: Báo Lâm Đồng 

Đồng chí Dương Thị Tố Như, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường B’Lao cho biết: “Trước đây đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS cao. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền với rất nhiều hình thức, biện pháp, nhất là tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động, mô hình giúp nhau phát triển kinh tế nên đến nay trên địa bàn phường chỉ còn 2 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Đời sống kinh tế của bà con dần được cải thiện”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, riêng trong năm 2023, TP Bảo Lộc đã triển khai xây dựng 2 công trình cấp nước sinh hoạt và nhà ở tại buôn B’Lao SRê (phường B’Lao) và thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu) với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ đồng. Đồng thời triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, TP Bảo Lộc đã hỗ trợ 2 gia đình đồng bào DTTS ở phường B’Lao sửa chữa, xây mới nhà ở với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng; lắp đặt 1.500m ống dẫn nước cho 5 giếng khoan tại thôn Đạ Nghịch trị giá 300 triệu đồng. Thông qua việc lắp đặt đường ống nước, trao tặng người dân bồn chứa nước giúp bà con DTTS trên địa bàn có dụng cụ để tích trữ, bảo đảm đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đồng bào DTTS ở TP Bảo Lộc không chỉ biết đầu tư phát triển sản xuất mà nhiều gia đình, cộng đồng dân cư đã chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc gắn với kinh doanh dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay, đồng bào DTTS ở Bảo Lộc đã triển khai các câu lạc bộ cồng chiêng, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, may thêu trang phục truyền thống... Tại một số thôn, buôn, tổ dân phố vùng đồng bào DTTS trên địa bàn TP Bảo Lộc cũng đã thực hiện mô hình “Gia đình không có người sinh con thứ 3 trở lên”, mô hình “4 không” (không hôn nhân cận huyết thống, không tảo hôn, không thách cưới và không cho vay nặng lãi), thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang. Theo đồng chí Trần Tiến Thạo, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Bảo Lộc, thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, nhận thức của người dân nói chung, người dân vùng đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt. Họ đã có ý thức tốt hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình, nhờ đó hộ nghèo và hộ cận nghèo ngày càng giảm.

Với việc thành phố triển khai có hiệu quả, kịp thời các chính sách dân tộc gắn với phát triển kinh tế đã làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn, góp phần tích cực cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong những năm tiếp theo.

KIM ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.