Toàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 2,8 triệu dân, trong đó có hơn 24.000 nhân khẩu đồng bào DTTS cùng sinh sống đan xen trong cộng đồng dân cư. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh việc chú trọng đầu tư, phát triển tương xứng trên các lĩnh vực giữa kinh tế và xã hội, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tỉnh Bình Dương luôn coi trọng và thực hiện nhất quán công tác dân tộc, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và thực hiện tốt chính sách dân tộc.

Trao quà tặng đồng bào DTTS hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với đó, đồng bào DTTS trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, tích cực tham gia vào hoạt động đoàn thể, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng các dân tộc anh em, góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt công tác dân tộc, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch và cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách nhằm ổn định sản xuất, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa... Tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong công tác dân tộc, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS.

Một trong những điểm nhấn công tác dân tộc của tỉnh là phát huy hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo đồng bào DTTS tham gia. Đồng bào đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo”, “Xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”… Nhiều người có uy tín trong cộng đồng DTTS trở thành tấm gương sáng về đoàn kết dân tộc, gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất.

Chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương, đồng chí Trương Công Phú, Phó chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có 266 hộ/1.088 khẩu đồng bào DTTS với hơn 120 hộ được cấp đất. Hộ đồng bào DTTS nghèo theo tiêu chí của tỉnh còn 2 hộ, hộ cận nghèo còn 3 hộ. Các chính sách đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để sản xuất kinh doanh dành cho đồng bào DTTS đã giúp ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, giúp đồng bào DTTS có đất canh tác ổn định. Qua đó, khuyến khích phát triển kinh tế, bảo vệ văn hóa và môi trường sống của các DTTS. Xã luôn chú trọng tuyên truyền nội dung các chính sách này công khai, tiếp cận đến từng hộ đồng bào, chú trọng lực lượng là người có uy tín trong đồng bào DTTS để phổ biến lại đến người dân.

Liên hoan văn hóa thể thao đồng bào các DTTS tại Bình Dương.

Theo đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, để nâng cao chất lượng công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội và phát huy vai trò của hệ thống chính trị các cấp trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc; gắn kết chặt chẽ việc phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS và các tầng lớp nhân dân. Đồng bào các DTTS của tỉnh sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới, kết nối đồng bào các DTTS cùng với cả hệ thống chính trị và nhân dân chung sức, đồng lòng cùng hành động, để hiện thực hóa khát vọng sớm đưa Bình Dương trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

LONG GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.