Theo số liệu thống kê năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang có hơn 186.000 hộ sinh sống ở khu vực nông thôn, trong đó có hơn 41.400 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ hơn 22%) và hơn 28.500 hộ cận nghèo (chiếm hơn 15%). Qua phân tích cho thấy, kinh tế vườn hộ ở vùng núi Hà Giang chưa được phát huy. Nhiều địa phương còn để vườn tạp, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý; chưa chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên giá trị kinh tế từ vườn hộ rất thấp, chưa tạo thu nhập bền vững cho người dân. Do đó, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 1-12-2020 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt, từ đó tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

leftcenterrightdel
Gia đình anh Nguyễn Xuân Hanh đã cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng cây lê, mận... 

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Xuân Hanh, người dân tộc Tày ở thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ và được anh chia sẻ về hành trình vươn lên thoát nghèo. Ở đây, mỗi năm, các gia đình chỉ trồng được một vụ lúa và một vụ ngô. Như gia đình anh Hanh trước đây, hết hai vụ, anh thu hoạch được khoảng 3 tấn lúa và 3 tấn ngô. Nghe con số thì lớn nhưng tính ra tiền cũng chỉ được vài chục triệu đồng, trong khi gia đình anh Hanh có khá nhiều đất canh tác nhưng lại bỏ hoang hoặc trồng nhiều loại cây khác nhau, giá trị kinh tế thấp. Sau khi Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU, được sự tư vấn, vận động của cán bộ Đồn Biên phòng Tùng Vài (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang), anh Hanh đã mạnh dạn cải tạo vườn để trồng cây lâu năm. Anh Hanh kể: “Được sự động viên, giúp đỡ của bộ đội, năm 2020, tôi quyết định đầu tư trồng lê, mận, hồng không hạt và trồng xen kẽ thêm chanh, các loại rau cải, dưa chuột và cà chua. Đây là các loại cây ngắn ngày và được giá. Có thời điểm giá cà chua lên tới hơn 20.000 đồng/kg, thương lái đến thu mua tận vườn mà không đủ bán”. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cây ăn quả của gia đình anh Hanh sinh trưởng tốt. Năm 2023, hồng và lê đã bắt đầu cho thu hoạch. “Năm vừa rồi, lê có giá bán 15.000-20.000 đồng/kg, còn hồng là 30.000-40.000 đồng/kg. Năm nay, nếu giá bán vẫn ổn định ở mức đó thì sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa”, anh Hanh cho biết thêm.

Cũng như gia đình anh Hanh, gia đình chị Thèn Thị Lan, người dân tộc Nùng ở xã Tùng Vài đã chuyển đổi vườn tạp sang trồng chanh, lê. Trước đây, chị Lan trồng ngô và một số loại cây khác, nhưng đều có giá trị kinh tế thấp. “Mỗi vụ trồng ngô, tôi chỉ thu được khoảng 300-400kg, tính ra là trên dưới 3 triệu đồng. Thu nhập thấp nên cuộc sống cứ hụt trước, thiếu sau”, chị Lan cho biết. Khi được cán bộ Đồn Biên phòng Tùng Vài tư vấn, hỗ trợ công lao động làm đất, vợ chồng chị Lan đã quyết định thay đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài đào ao thả cá, từ năm 2022, chị Lan cải tạo diện tích đất bỏ hoang thành vườn trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như chanh, lê. Chị còn được hỗ trợ vay 30 triệu đồng không lãi suất trong 2,5 năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây chuồng nuôi lợn. Tận dụng các khoảnh đất trống của gia đình, chị Lan còn trồng rau, dưa chuột và cà chua. “Đó đều là các loại cây có nhu cầu tiêu dùng lớn nên thương lái đến thu mua tận vườn với giá ổn định. Nguồn thu từ bán rau và chăn nuôi đã giúp kinh tế gia đình tôi vững vàng hơn’’, chị Lan phấn khởi cho biết.

Gia đình chị Lan và anh Hanh chỉ là hai trong số hàng trăm gia đình người dân tộc thiểu số ở huyện Quản Bạ được hưởng lợi từ việc thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU của Tỉnh ủy Hà Giang. Thực tế, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU đã tạo luồng sinh khí mới, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Sau hơn 3 năm, đến nay đã có hơn 6.400 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp. Nhiều vườn cây đã cho hiệu quả kinh tế với thu nhập bình quân đạt khoảng 19 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 2-3 lần so với trước thời điểm chưa thực hiện cải tạo vườn tạp. Điều đáng nói là việc thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU đã góp phần làm thay đổi đáng kể nhận thức, tư duy sản xuất của người dân, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, tác động tích cực đến chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Quản Bạ nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung.

Bài và ảnh: BÍCH NGUYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.