Những việc làm thiết thực
Đến thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời, TP Lào Cai (Lào Cai), nhắc đến ông Chảo Láo Sử thì không ai là không biết, bởi nhiều năm qua, ông Chảo Láo Sử đã bỏ công sức và thời gian để truyền dạy miễn phí chữ Nôm Dao cho trẻ em trong thôn, với mong muốn góp phần giữ gìn di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình. Trong phòng học của một phân hiệu cũ bỏ không, ông Chảo Láo Sử ân cần chỉ từng con chữ, cách viết cho lũ trẻ nơi đây. Ông Chảo Láo Sử cho biết: “Trước đây chữ Nôm Dao được lưu giữ bằng cách truyền dạy trong các gia đình, tuy nhiên hiện nay hầu như không còn. Đời sống phát triển, thanh thiếu niên có điều kiện tiếp cận lối sống hiện đại, giao lưu, sử dụng internet... nên không ít người dần lãng quên, không mặn mà với con chữ mang bản sắc của dân tộc mình. Tôi muốn dành thời gian để truyền dạy chữ Nôm Dao cho lớp trẻ nhằm góp phần nuôi dưỡng tình yêu bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi người”.
Xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) có hơn 50% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Sán Dìu. Những năm qua, bà Trần Thị Nam mặc dù tuổi đã cao nhưng với trách nhiệm và tâm huyết gìn giữ văn hóa dân tộc, bà vẫn cùng các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Soọng cô Trung Mầu mở lớp dạy tiếng nói và hát Soọng cô cho thế hệ trẻ. Mỗi thành viên của CLB phụ trách dạy từ 3 đến 5 học viên, cũng chính là con cháu trong gia đình. Hằng ngày, học viên được dạy tiếng Sán Dìu thông qua sinh hoạt gia đình, được học hát vào thời gian phù hợp. Bà Trần Thị Nam cho biết: “Hằng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt và kiểm tra, ôn lại những nội dung đã học cho các học viên. Thành tích của học viên cũng là tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thành viên trong CLB. Kết quả là từ năm 2013 đến nay, đã có hàng trăm học viên biết nói tiếng dân tộc và hát Soọng cô-điệu hát truyền thống của đồng bào Sán Dìu”.
 |
Ông Chảo Láo Sử hướng dẫn trẻ em thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời, TP Lào Cai viết chữ Nôm Dao. |
Mô hình dạy chữ Nôm Dao của ông Chảo Láo Sử, dạy tiếng nói và hát Soọng cô của bà Trần Thị Nam chỉ là hai trong số nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa của các cá nhân, tập thể trong cộng đồng nhằm chung tay cùng các cấp, các ngành bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Hiện nay, tại các địa phương, tiếng nói và chữ viết của nhiều DTTS dù được công nhận nhưng lại chỉ được phổ biến trong phạm vi giới hạn, không ít người DTTS không có cơ hội để sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình. Do đó, bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các DTTS không phải việc của riêng ai mà cần có sự chung tay của toàn xã hội. Tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã có những cách làm hiệu quả. Điển hình như tỉnh Khánh Hòa mở lớp học tiếng nói, chữ viết của người Ra Glay cho cán bộ, công chức, viên chức; tỉnh Phú Thọ bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS thông qua truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian của đồng bào; tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn sách chữ Chăm, tiến hành giao nhận thư tịch cổ Chăm và được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tu bổ, bồi nền, số hóa...
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều giải pháp để mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng dạy tiếng DTTS trong nhà trường. Hiện tại, cả nước có 6 tiếng DTTS được tổ chức dạy học chính thức trong trường học, gồm: Tiếng Mông, tiếng Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm và tiếng Khmer tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hằng năm, có khoảng 600 trường học với 4.500 lớp học và hơn 110.000 học sinh được học tiếng DTTS. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ có thêm nguồn lực cho việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết các DTTS. Theo đó, Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch có nội dung: Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một (các hình thức sinh hoạt văn hóa, tiếng nói, chữ viết và các giá trị văn hóa khác)...
Hy vọng với sự chung tay của cả cộng đồng, việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số sẽ thu được nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới.
Bài và ảnh: KIM ANH