Việc làm thiết thực, nghĩa tình

Trong năm 2022, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp ở Hà Tĩnh đã phối hợp huy động nhiều nguồn lực chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng khác hơn 108.000 suất quà Tết, tổng trị giá 55,2 tỷ đồng. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động được hơn 25 tỷ đồng; nguồn an sinh xã hội vận động được gần 50 tỷ đồng; xây dựng mới và sửa chữa được 715 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ 471 sinh kế; khám, chữa bệnh; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Riêng dịp Tết Quý Mão 2023, toàn tỉnh đã huy động được hơn 50.300 suất quà, trị giá gần 30 tỷ đồng tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Sau bao nhiêu năm lênh đênh sông nước, sống trên những con thuyền chật hẹp, giờ đây 24 hộ dân ở xóm vạn chài Tiền Phong (xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) được đón Tết trên bờ trong những căn nhà kiên cố, ấm áp. Những ngày giáp Tết, các gia đình tất bật, sắm sửa đồ đạc dọn vào nhà mới. Trong ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà sàn còn thơm mùi sơn mới, bà Nguyễn Thị Tịnh xúc động chia sẻ: “Hơn 53 năm sống trên sông, giờ đây tôi và gia đình đã được đón cái Tết đầu tiên trên bờ. Tôi rất xúc động khi được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp quan tâm cấp cho gia đình tôi 50m2 đất và một căn nhà mới để an cư”.

leftcenterrightdel
 Đại diện Uỷ ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh trao quà tặng người nghèo nhân dịp Tết 2023. Ảnh: VĂN CHUNG

Một trong những hoạt động hỗ trợ người nghèo nổi bật của Hà Tĩnh là việc thành lập “Quỹ Khuyến học đất Hồng Lam”. Quỹ đã nhận được sự tài trợ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền hơn 18,7 tỷ đồng. Đến nay, đã có 140 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến được với giảng đường đại học thông qua nguồn quỹ này. Và trường hợp của em Bạch Thị Lam (xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) là một ví dụ điển hình. Thi đậu vào Trường Đại học Luật Hà Nội nhưng đường đến với giảng đường lại quá xa vời đối với Lam khi hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn do cha mất sớm vì bạo bệnh, mẹ thường xuyên đau yếu, mất khả năng lao động. Do đó, Quỹ Khuyến học đất Hồng Lam đã hỗ trợ em 20 triệu đồng mỗi năm học để em có thể hoàn thành giấc mơ của mình. Bạch Thị Lam cũng như hàng trăm sinh viên nghèo nhận hỗ trợ từ nguồn quỹ này đang nỗ lực thay đổi cuộc đời bằng con đường tri thức.

Cách làm chặt chẽ, nhân văn

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 14.527 hộ nghèo, chiếm 3,79%; 15.486 hộ cận nghèo, chiếm 5,04%. Cùng với sự nỗ lực, vươn lên của mỗi người, nhiều năm qua, công tác giảm nghèo luôn nhận được sự ủng hộ đầy trách nhiệm của toàn xã hội, trở thành hoạt động thường xuyên và nhiệm vụ chính trị quan trọng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh đang giảm dần qua từng năm, người nghèo được chăm lo, quan tâm mọi mặt từ đời sống vật chất đến tinh thần.

Để cụ thể hóa công tác giảm nghèo cũng như chăm lo Tết cho người nghèo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 45-KH/TU về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ban, sở, ngành, đoàn thể chỉ đạo tổ chức đợt cao điểm vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm 2022; quan tâm, giúp đỡ, hướng dẫn các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cung cấp thông tin, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện để các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, các cấp, ngành tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình vận động và hỗ trợ để tránh chồng chéo, bảo đảm công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng; tổ chức tiếp nhận, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” bảo đảm đúng quy định, kịp thời và hiệu quả.

Đồng chí Hoàng Anh Đức, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Ngay sau khi có các nguồn lực hỗ trợ, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” đã thống nhất phương pháp, cách làm cũng như cách phân bổ để có sự điều tiết hài hòa. Đối với các nguồn lực không qua Ban vận động tỉnh nhưng đã có địa chỉ trực tiếp thì MTTQ sẽ kết nối với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trao tận tay người dân, đồng thời có vai trò tham mưu, tư vấn, bảo đảm sự đồng đều giữa các đối tượng và địa phương. Với nguồn lực hỗ trợ trực tiếp, Ban vận động tỉnh họp rà soát, thống nhất phương án phân bổ theo tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng địa phương và tổ chức trao tận tay người dân kịp thời, hiệu quả”.

Những món quà tặng người nghèo vào dịp Tết cũng là việc trước mắt và cần thiết, nhưng điều quan trọng là làm sao để người nghèo thoát nghèo bền vững. Vì thế, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã hướng dẫn MTTQ các cấp phân loại, rà soát hộ nghèo để có phương thức hỗ trợ phù hợp. Đối với hộ người cao tuổi, không còn sức lao động thì động viên họ chung sống với con cháu hoặc vận động dòng họ, bà con lối xóm đỡ đầu; hộ còn sức lao động, có ý chí thoát nghèo sẽ hỗ trợ sinh kế. Cùng với đó, phối hợp với địa phương, đoàn thể tổ chức lớp tập huấn, đào tạo nghề; phân công cán bộ phụ trách theo dõi, hướng dẫn hộ nghèo trong quá trình sản xuất. Hoạt động hỗ trợ mô hình sinh kế cho người nghèo cũng được nhiều địa phương triển khai như trao cây giống, vật nuôi, tàu, thuyền đánh bắt hải sản, phương tiện sản xuất.

Một mùa xuân nữa lại về, những người nghèo ở Hà Tĩnh thêm ấm lòng khi có sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành và cộng đồng. Với cách làm chặt chẽ, nhân văn, những người nghèo sẽ có động lực vươn lên để thoát nghèo, đón mùa xuân mới an vui.

HOÀNG HOA LÊ