Vùng lãnh thổ thuộc lưu vực hệ thống các sông Nam bộ, là một trong những vùng kinh tế năng động nhất nước ta, mà hạt nhân là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là sự gia tăng mạnh mẽ việc khai thác nguồn tài nguyên, nhưng cũng gia tăng về số lượng và thành phần nguy hại của chất thải, gây nên ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng cho sông nước, làm cạn kiệt và phá hủy các nguồn tài nguyên.

Sông ngòi đang kêu cứu

Với tổng diện tích tự nhiên là 48.268km2, chảy qua 12 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 tỉnh, thành phố, thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, hệ thống sông Đồng Nai đã trở thành yếu tố sống còn cho việc phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng. Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư, tiến sĩ Lâm Minh Triết, cán bộ nghiên cứu ở Viện Tài nguyên và môi trường, thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong những năm qua, con người đã can thiệp mạnh mẽ vào các qui luật tự nhiên ở hệ thống sông ngòi nước ta nói chung và hệ thống sông Đồng Nai nói riêng. Hành động này đã làm cho tài nguyên nước cạn dần và vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở nên nghiêm trọng”.

Sông Sài Gòn đang có nguy cơ bị ô nhiễm nặng

Vài năm gần đây, tình hình lũ lụt, hạn hán, xói lở đất ven bờ sông xảy ra ngày càng nhiều và trên diện rộng ở nhiều địa phương trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, gây nhiều thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân.

Theo nghiên cứu của các Viện khoa học và một số trường đại học ở phía Nam, hệ thống sông Đồng Nai đang bị ô nhiễm trên diện rộng. Cụ thể, nước sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai; nước sông Sài Gòn từ cầu Bình Phước đến cầu Tân Thuận; nước sông Thị Vải đoạn từ nhà máy bột ngọt Vedan đến dưới cảng Phú Mỹ đã bị ô nhiễm. Mỗi ngày sông Sài Gòn phải nhận hơn một triệu mét khối nước thải sinh hoạt, gần 400.000m3 nước thải công nghiệp và từ 4.000-5.000 tấn rác và hơn 7 tấn rác y tế chưa qua xử lý. Theo khảo sát của Trường đại học Cần Thơ, nước sông Vàm Cỏ Đông đã nhiễm phèn và bị axit hóa. Đáng lo ngại, có nhiều đoạn sông, hồ chứa phía thượng nguồn được coi là sạch cũng đã có dấu hiệu ô nhiễm như: thác Cam Ly và một số hồ ở thành phố Đà Lạt. Các tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu là chất thải của con người, gia súc và một số ngành công nghiệp… Theo báo cáo của Cục Bảo vệ môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường, thì bình quân mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai phải tiếp nhận 111.600m3 nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó chứa hàng chục tấn hóa chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Không chỉ trong hệ thống sông Đồng Nai, mà hệ thống sông Mê Kông chảy qua nước ta, cũng phải đối mặt với những nguy cơ gây ô nhiễm do phát triển các khu công nghiệp, nuôi trồng thủy sản dọc theo các sông Tiền Giang, Hậu Giang, Hàm Luông, Cửa Lớn, Ông Đốc v.v..

Từ năm 1994 đến nay, nhiều sự cố giao thông đường thủy cũng làm cho hệ thống sông này bị ô nhiễm thêm. Đó là vụ chìm tàu Neptune Aries năm 1994 và tàu Gemini của Xin-ga-po tháng 11-1996, vụ đắm sà lan chở dầu Hiệp Hòa 2 tại sông Nhà Bè tháng 4-1999 làm tràn một lượng lớn xăng dầu ra sông Sài Gòn.

Báo động về ý thức hủy hoại nguồn nước

Chúng tôi đã có dịp đi trên một số tuyến sông, thuộc hệ thống sông Đồng Nai và các sông Tiền Giang, Hậu Giang, Hàm Luông, Ông Đốc thuộc hệ thống sông Mê Kông. Tại những nơi này, tình trạng xả rác và chất thải bừa bãi xuống dòng chảy vẫn còn phổ biến. Ông Hoàng Trọng Nhân, cư trú gần cầu Đồng Nai than thở: “Tôi rất buồn vì ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh người ta đổ rác xuống sông. Nhiều người còn vứt cả xác động vật chết xuống nữa”. Cách cầu Đồng Nai không xa là cảnh khai thác cát bằng các phương tiện hiện đại của nhiều chiếc sà lan lớn. Việc quản lý khai thác cát không chặt chẽ, đã gây ra những vụ sạt lở đất ở ven bờ, làm thay đổi dòng chảy và đe dọa cuộc sống yên bình của người dân ven sông.

Các nhà hàng, khách sạn, nhà ở và biệt thự nổi đã chiếm không ít diện tích mặt sông. Một số quán giải khát ven sông Sài Gòn còn vứt cả vỏ các loại trái cây xuống dòng nước. Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng của Viện nghiên cứu tài nguyên-môi trường của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường nước hiện nay rất kém. Chính nạn khai thác gỗ rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi và tình trạng xả rác xuống sông hồ, đã gây ra lũ quét, hạn hán và ô nhiễm dòng nước”. Thực tế, các cơ quan chức năng không kiểm soát được việc đổ xả các chất thải vào nguồn nước. Điều nghiêm trọng hơn là một số nhà máy, khu công nghiệp đã xả trực tiếp chất thải vào sông hồ.

Những năm qua, các hoạt động nuôi trồng thủy sản diễn ra khá rầm rộ ở khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An và nhiều đoạn sông. Các loại thức ăn của cá hằng ngày được đổ xuống nguồn nước. Lượng thức ăn mà cá không tiêu thụ hết, bị phân hủy và tan vào nước gây ra ô nhiễm. Đặc biệt, trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm ở khu vực phía Nam, nhiều người đã đổ gà, vịt chết xuống lòng hồ Trị An, sông Thị Vải, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Hành động ngay khi chưa muộn

Trong thời kỳ hội nhập, nhất là khi nước ta đã là thành viên của WTO, sự phát triển nhanh của các khu dân cư và các khu kinh tế, làm cho nhu cầu về nguồn tài nguyên của sông hồ, nhất là nước bảo đảm cho sinh hoạt, sản xuất càng lớn.

Thời gian qua, các tỉnh, thành phố có hệ thống sông Đồng Nai đi qua, có nhiều cố gắng để quản lý và ngăn chặn các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước. Ở tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng triển khai các văn bản qui phạm pháp luật do Chính phủ và Bộ TN&MT ban hành. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cho các Sở, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả hơn. Đồng thời, tỉnh cũng ra nhiều qui định về việc xử lý nước thải trước khi đổ vào hệ thống sông. TP Hồ Chí Minh cũng đã phát động phong trào: Khu Công nghiệp, khu chế xuất “xanh-sạch” về môi trường.

Theo các chuyên gia về môi trường, để quản lý tốt nguồn nước cần sớm hình thành một chương trình tổng thể bảo vệ môi trường nước, có sự phối hợp chặt chẽ của 12 tỉnh, thành phố trong khu vực. Chính phủ sớm ban hành Qui định chặt chẽ về khai thác, sử dụng, quản lý và bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai, có chế tài xử lý thích đáng những cơ sở công nghiệp không tuân thủ việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp. Theo chúng tôi, cần phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền để người dân có ý thức tốt trong bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ nguồn nước nói riêng. Chính quyền các tỉnh, thành phố cần giao trách nhiệm cho các xã, phường phải quản lý và bảo vệ nguồn nước chảy qua địa phương mình, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác bừa bãi xuống sông.

Tài nguyên môi trường nước có ý nghĩa quyết định đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội và đặc biệt là sức khỏe của chúng ta. Vì vậy, việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quí giá đó, là bảo vệ tài sản quốc gia, là việc làm sống còn của tất cả mọi người.

Bài và ảnh: Lê Phi Hùng