Dự hội thảo có đại biểu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; đại biểu thủ trưởng các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị; các nhà khoa học; đại biểu Ban Biên soạn công trình; đại biểu thủ trưởng Bộ tư lệnh Vùng 1 (Quân chủng Hải quân) và một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân chủng Hải quân.

Trung tướng Đỗ Xuân Tụng phát biểu khai mạc hội thảo. 

Biến đổi khí hậu toàn cầu với hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện tần suất ngày càng gia tăng, các đe dọa an ninh phi truyền thống đã tác động tiêu cực đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội trong thời bình.

Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo tốt hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) của QĐND Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường; do vậy, đã kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra, giảm bớt thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và môi trường gây ra.

Trung tướng Đỗ Xuân Tụng chủ trì hội thảo.

Thiếu tướng Nguyễn An Phong, Chính ủy Quân chủng Hải quân phát biểu tại hội thảo. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Đỗ Xuân Tụng nhấn mạnh: Trong suốt chiều dài lịch sử, QĐND Việt Nam không chỉ là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc, mà còn là “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”, luôn sát cánh cùng nhân dân trong những thời điểm cam go nhất, đặc biệt là khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, môi trường bị tàn phá, tính mạng và sinh kế của nhân dân bị đe dọa.

Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng giữa sóng dữ biển khơi, giữa bùn lầy, lũ quét, khu cách ly và những nơi khó khăn, gian khổ nhất, với hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ không quản hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân đã ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội, tăng cường mối quan hệ đoàn kết máu thịt với nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Trong những năm qua, thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã có nhiều chỉ đạo trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Cụ thể, trong phòng, chống dịch: “Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau-bộ đội phải là chỗ cuối cùng của dân trong đại dịch”... Trong khắc phục bão lũ, sạt lở đất, thiên tai: “Tính mạng con người là trên hết, trước hết”, “Ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội”…

Người dân xúc động, biết ơn, dành cho bộ đội những lời chân thành nhất, không hoa mỹ nhưng lay động tận đáy lòng: “Nếu không có bộ đội, chúng tôi không biết phải sống sao qua cơn bão này”, “Bộ đội ngủ ngoài hiên, nhường giường cho dân - đó là hình ảnh mà đời tôi sẽ không bao giờ quên”, “Bộ đội về rồi, sống rồi! Sống rồi, bộ đội về rồi”...

Đó chính là minh chứng sinh động cho hiệu quả của hoạt động CTĐ, CTCT trong xây dựng bản lĩnh, phẩm chất, hành động vì nhân dân quên mình, góp phần bồi đắp "thế trận lòng dân" vững chắc trong mọi tình huống.

 Đại tá Trần Văn Huyên, Thư ký ban biên soạn công trình báo cáo kết quả triển khai nghiên cứu, biên soạn và tổng hợp ý kiến đóng góp. 

Chính vì vậy, tổng kết hoạt động CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường giai đoạn 1975-2020 là hết sức cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, nhằm kế thừa, phát huy truyền thống quý báu, đúc kết bài học kinh nghiệm CTĐ, CTCT phục vụ xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới.

Tại hội thảo, Cơ quan Thường trực Công trình đã báo cáo kết quả triển khai nghiên cứu, biên soạn và tổng hợp ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Các tham luận tại hội thảo tập trung đi sâu vào đối tượng, phạm vi, phương pháp nghiên cứu, kết cấu, nội dung của công trình; làm rõ những vấn đề về lý luận và thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tiến hành hoạt động CTĐ, CTCT của QĐND Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường; những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm...

Trung tướng Đỗ Văn Thiện, Chính ủy Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật trình bày tham luận tại hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Trung tướng Đỗ Xuân Tụng đánh giá các ý kiến tham luận của các đại biểu đã tập trung đóng góp vào bản thảo công trình, làm sâu sắc những đóng góp về lý luận và thực tiễn CTĐ, CTCT trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường (1975-2020); đồng thời, chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục và bổ sung các tư liệu, sử liệu để nâng cao hơn nữa chất lượng công trình trước khi báo cáo Thường vụ Quân ủy Trung ương tổ chức nghiệm thu.

Các đại biểu tham dự hội thảo. 
Trung tướng Đỗ Xuân Tụng trao quà tặng Quân chủng Hải quân. 

Trung tướng Đỗ Xuân Tụng đã nhấn mạnh những thành công của công trình: Nội dung công trình bảo đảm đúng quan điểm, đường lối chính trị, quân sự của Đảng, bám sát chức năng, nhiệm vụ của CTĐ, CTCT trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường. Các tư liệu, sử liệu đảm bảo tính trung thực, tính khoa học, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn của CTĐ, CTCT đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường trong giai đoạn 1975-2020.

Thành công nổi bật của công trình là đã làm rõ được sự phát triển về lý luận, sự vận dụng sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tiến hành hoạt động CTĐ, CTCT của QĐND Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường giai đoạn 1975-2020.

Quang cảnh hội thảo. 

Trung tướng Đỗ Xuân Tụng khẳng định: Từ nghiên cứu nội dung công trình đã khái quát được 5 thành tựu nổi bật, đúc rút được 6 bài học kinh nghiệm quý về hoạt động CTĐ, CTCT của QĐND Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ môi trường giai đoạn 1975-2020. Đây là những nội dung có giá trị, ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận, thực tiễn góp phần giáo dục, truyền thụ kinh nghiệm, nâng cao năng lực về tổ chức và tiến hành hoạt động CTĐ, CTCT cho cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị, cơ quan chính trị, người chỉ huy các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công trình, Trung tướng Đỗ Xuân Tụng đề nghị Ban biên soạn tập trung nghiên cứu, hoàn chỉnh bản thảo, nhất là các nội dung đã được góp ý chỉnh sửa, bảo đảm chất lượng. Cơ quan thường trực nghiên cứu, đề xuất các nội dung tiếp theo, nhất là vấn đề bất cập về giai đoạn tổng kết (điều chỉnh giai đoạn tổng kết thành 1975-2025). Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn hoàn chỉnh công trình của cơ quan, đơn vị mình theo quy định (công trình cấp II), bảo đảm chặt chẽ, đúng tiến độ, chất lượng.

Tin, ảnh: VŨ DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.