Sáng 5-2, trong buổi gặp mặt báo chí đầu xuân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường- Phạm Khôi Nguyên đã chia sẻ những vấn đề lớn mà ngành sẽ tập trung giải quyết trong năm 2009, đặc biệt là những vấn đề “nóng” như quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường hay dự báo khí tượng thủy văn.
- Đất đai là một trong những lĩnh vực được sự quan tâm lớn của dư luận, năm 2009 sẽ có những điểm gì mới trong quản lý đất đai, thưa Bộ trưởng?
- Năm 2009, chủ trương chung của Bộ là sẽ kinh tế hóa và tài chính hóa ngành tài nguyên môi trường, phấn đấu đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách, hiện nay thu ngân sách của ngành mới chỉ chiếm 10%. Bộ sẽ tập trung vào một số lĩnh vực lớn, trước hết là quản lý đất đai. Vấn đề giá đất thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư trước đây do Bộ Tài chính quản lý, từ tháng 12-2008 đã chuyển sang Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ có thể thống nhất trong quản lý đất đai. Quan điểm của bộ là tăng cường đấu giá đất, đặc biệt là những đất liên quan đến dịch vụ, xây dựng. Trong quy hoạch đất đai sẽ xây dựng kế hoạch sử dụng đất lâu dài. Có quy hoạch cứng và quy hoạch mềm. Ví dụ như quy hoạch cứng đối với đất nông nghiệp, rừng đầu nguồn… phải chốt chặt, không được đụng đến. Đồng thời tăng cường quản lý đối với thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản bao gồm đất đai và các tài sản gắn liền với đất, trong đó đất là quan trọng nhất. Chúng tôi cũng sẽ đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 cho phù hợp với tình hình hiện nay.
- Công tác dự báo khí tượng thủy văn trong năm 2008 còn có những hạn chế. Bộ sẽ khắc phục hạn chế đó như thế nào trong năm nay?
- Lĩnh vực khí tượng thủy văn thời gian qua đã nảy sinh nhiều vấn đề trong công tác dự báo, tôi khẳng định là Nhà nước không tiếc tiền đầu tư cho công tác dự báo. Bởi vì, nếu dự báo thiên tai không chính xác thì công sức của người dân trong nhiều năm trời có thể mất hết, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.
Một tồn tại nữa là quan hệ của ngành khí tượng thủy văn đối với báo chí. Báo chí chưa được thông báo trước nhiều thông tin quan trọng liên quan đến khí tượng thủy văn. Vì vậy tôi đã đề nghị trong năm nay phải tổ chức các cuộc họp báo khi có những vấn đề lớn về khí tượng thủy văn, nhất là thiên tai để có thể kịp thời thông tin trên báo chí.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đang quản lý một lĩnh vực mới là biển đảo. Bộ sẽ thực hiện trách nhiệm này như thế nào?
- Thực tế là từ trước năm 2008 chưa có cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về biển đảo. Hiện nay, trách nhiệm quản lý biển đảo đã được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ sẽ cùng với những bộ, ngành liên quan đến biển đảo như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương… bàn kỹ về lĩnh vực biển đảo, tránh tình trạng chồng chéo. Trong năm nay, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng các công trình phát triển kinh tế biển đảo và điều tra số liệu về biển. Hiện nay, số liệu trên biển chỉ mới đến 30m nước sâu, tiến tới sẽ xây dựng ngân hàng dữ liệu về biển. Bên cạnh đó là thực hiện công tác khảo sát, cắm mốc biên giới trên biển.
- Thưa Bộ trưởng, trong năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có phương pháp quản lý nào mới đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường?
- Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học được ban hành là một bước tiến quan trọng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý nghiêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường, quản lý chặt chẽ các lưu vực sông, khu công nghiệp và các làng nghề, cũng như quan tâm đến môi trường ở nông thôn.
Quản lý doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ phân công rõ ràng. Thứ nhất, với những nhà máy làm mới từ bây giờ phải nghiêm túc thực hiện đánh giá tác động môi trường, do vậy công tác đánh giá, thẩm định tác động môi trường phải được làm nghiêm túc. Thứ hai, những nhà máy đã cam kết với Bộ về tác động môi trường, Bộ phải có cuộc đi kiểm tra, đánh giá lại báo cáo tác động môi trường, xác định xem ai là người thực hiện đúng cam kết, ai không thực hiện đúng thì phải làm lại theo lộ trình trong thời gian không quá 6 tháng đến 1 năm. Còn những doanh nghiệp do “lịch sử để lại”, có thể chia làm 3 loại, những nhà máy hóa chất, gây ô nhiễm nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm túc ngay trong năm nay vì nó tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng; loại thứ 2 gây ô nhiễm không trầm trọng lắm thì yêu cầu phải có lộ trình xử lý; loại thứ 3 gây ô nhiễm ở mức thấp hơn thì đến năm 2010 cũng phải cơ bản xử lý được những đối tượng này.
- Vừa phải bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm sản xuất, đời sống cho người lao động, phương pháp quản lý của Bộ sẽ nghiêng về bên nào, thưa Bộ trưởng?
- Nếu thực hiện giải pháp quá mạnh trong khi nền kinh tế đang có chiều hướng suy giảm, sản xuất và đời sống đều khó khăn mà không có lộ trình thích hợp thì vô tình lại đẩy thêm doanh nghiệp vào thế khó, nên chúng tôi rất suy nghĩ làm sao vừa hợp tình, hợp lý, có lộ trình phù hợp. Ví dụ như trong khai thác khoáng sản hiện nay, hầu hết các đơn vị khai thác mới đều có đánh giá tác động môi trường, chúng tôi sẽ kiểm tra, yêu cầu họ phải nghiêm túc thực hiện theo cam kết, còn những nơi khai thác trước đây chưa có báo cáo thì phải thực hiện theo quy định. Đối với lĩnh vực khoáng sản, năm nay dự định sẽ đề nghị sửa đổi Luật Khoáng sản theo nguyên tắc kinh tế hóa và tài chính hóa, xóa bỏ cơ chế xin-cho, chuyển sang đấu thầu, đấu giá. Thời gian cuối năm 2008, đầu năm 2009, Bộ đã cấp lại giấy phép cho 63 mỏ than của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, xác định rõ ranh giới, trữ lượng các mỏ, để hạn chế tình trạng mỏ than “thổ phỉ” như trước đây.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
ĐỖ MẠNH HƯNG (thực hiện)