Những ngày vừa qua, dư luận rất quan tâm việc đình chỉ hoạt động Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Vedan) như thế nào? UBND tỉnh Đồng Nai mới có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ: “Không thể tạm đình chỉ hoạt động Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan do vướng quy định của pháp luật”. Thực chất vấn đề này như thế nào?…
Những quyết định xử phạt
Ngày 6-10, ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã ký Quyết định để đình chỉ hiệu lực giấy phép xả nước thải vào nguồn nước sông Thị Vải của Vedan trong thời gian 6 tháng. Cũng trong ngày 6-10, ông Lê Quốc Trung, Chánh Thanh tra Bộ TNMT đã ký Quyết định xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường của Vedan. Theo đó: Vedan bị áp dụng mức phạt là 267,5 triệu đồng; cấm xả chất thải ra môi trường, đình chỉ hành vi xả nước thải và dịch thải sau lên men của Vedan ra môi trường cho tới khi có biện pháp xử lý nước thải và dịch thải sau lên men đạt quy chuẩn quốc gia về chất thải; Vedan phải tháo gỡ toàn bộ hệ thống đường ống, cống ngầm, máy bơm và các thiết bị khác có liên quan dùng để xả chất thải lỏng từ khu vực sản xuất của Vedan ra sông Thị Vải trong thời gian một tháng và Vedan phải nộp truy thu phí bảo vệ môi trường 127.268.067.520 đồng. Vedan còn có trách nhiệm chi trả mọi chi phí đền bù thiệt hại, chi phí khắc phục hậu quả tình trạng ô nhiễm môi trường sông Thị Vải, đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường đối với các tổ chức và cá nhân bị thiệt hại do vi phạm của Vedan gây ra.
Ngày 7-10, ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ TNMT gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với Vedan; yêu cầu UBND tỉnh tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan cho đến khi công ty này hoàn thành biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
 |
Công ty Vedan biết khi nào bị đóng cửa? |
Quan điểm xử phạt của UBND tỉnh Đồng Nai
Ngày 10-10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Huỳnh Thị Nga đã ký văn bản gửi Bộ TNMT, cho rằng có vướng mắc phát sinh khi triển khai thực hiện xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với Vedan. Văn bản nêu rõ: Theo điều 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 về xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường quy định: Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết. Ngoài ra, tại điều 10 Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006 của Chính phủ về vi phạm các quy định về xả nước thải có quy định, ngoài xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, còn có hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết đối với các vi phạm quy định tại các khoản 7, 8, 9, 19, 20 và khoản 21 điều này; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính quy định tại điều này gây ra. Từ những quy định trên cho thấy, hình thức xử lý tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan thuộc hình thức xử phạt bổ sung trong Quyết định xử phạt hành chính; hành vi vi phạm của Vedan đã bị xử phạt hành chính tại Quyết định 131/QĐ–XPHC ngày 6-10-2008 của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo khoản 4 điều 3 Pháp lệnh Xử phạt hành chính quy định: "Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần". Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai không thể ra quyết định xử phạt hành chính bằng quyết định riêng lẻ tiếp theo đối với hành vi vi phạm hành chính của Vedan.
Cần xử phạt đúng theo thẩm quyền, luật định
Ngày 20-10, Bộ TNMT đã có văn bản, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai phải xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bởi trách nhiệm đình chỉ phải thuộc tỉnh. Bộ TNMT cho rằng, tại khoản 2 điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (PL.XLVPHC) năm 2002, bổ sung tại điều 1 khoản 1 của Pháp lệnh Sửa đổi bổ sung một số điều của PL.XLVPHC năm 2008 thì chỉ có 2 hình thức: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật phương tiện để vi phạm hành chính.
Căn cứ quy định nêu trên, đối chiếu với quy định tại điểm đ khoản 3 điều 12 được sửa đổi bổ sung tại khoản 1 điều 1 của Pháp lệnh Sửa đổi bổ sung PL.XLVPHC năm 2008 và quy định tại điểm b khoản 1 điều 49 của Luật Bảo vệ môi trường, quy định tại điểm b khoản 26 điều 10 của Nghị định 81/2006, thì quy định biện pháp tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất đối với các nhà máy của Vedan là biện pháp khắc phục hậu quả, không phải hình thức xử phạt bổ sung như cách hiểu của UBND tỉnh Đồng Nai.
Trong khi đó, theo quy định tại điểm b khoản 3 điều 49 của Luật Bảo vệ môi trường và điều 30 của PL.XLVPHC năm 2002, điểm d khoản 3 điều 12 được sửa đổi bổ sung, điểm b khoản 26 điều 10 của Nghị định 81 thì việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả (tạm thời đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời cơ sở…) thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Trong quyết định 131 ngày 6-10-2008, Chánh Thanh tra Bộ TNMT đã sử dụng tối đa thẩm quyền xử phạt của mình và đình chỉ hành vi xả nước thải không đạt chuẩn về môi trường của Vedan.
Chiều 22-10, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Quan điểm xử lý của tỉnh dễ bị hiểu là nhẹ tay với Vedan, nhưng Đồng Nai vẫn không thể làm sai luật. Tỉnh hoàn toàn thống nhất với Bộ TNMT, phải đình chỉ hoạt động sản xuất Vedan để họ khắc phục vi phạm. Chỉ có điều, ban hành văn bản thế nào cho chặt chẽ, đúng pháp luật. Bởi vì mình xử lý người vi phạm pháp luật mà lại không vận dụng đúng luật thì không ổn”.
Từ đó, các cơ quan tham mưu cho rằng, Bộ TNMT đã ra quyết định xử phạt tiền đối với Vedan rồi thì UBND tỉnh Đồng Nai không còn quyền ban hành một quyết định xử phạt riêng lẻ, bổ sung. Bởi theo khoản 4 điều 3 PL.XLVPHC thì “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần”. Tức là ngày nào còn tồn tại quyết định xử phạt của Bộ thì tỉnh không có quyền phạt thêm. Sau khi thống nhất với Sở Tư pháp và Thanh tra tỉnh, Sở TNMT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản đề nghị Bộ TNMT thu hồi quyết định xử phạt hành chính (số 131) để giao cho UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định mới, trong đó có biện pháp khắc phục hậu quả là tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã thành lập tổ công tác liên ngành, gồm 5 sở liên quan và cảnh sát môi trường, để giám sát việcthực hiệncác quyết định của Bộ TNMT về xử lý vi phạm hành chính và thu hồi giấy phép xả thải đối với Vedan.
Theo chúng tôi, việc đình chỉ sản xuất của Vedan là việc cần phải làm ngay. Tuy nhiên, cần xem lại quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai khi viện dẫn: “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần”. Cần phải thấy rằng, sai phạm của Vedan không nên coi là một hành vi mà là tổng hợp nhiều hành vi, diễn ra trong nhiều năm, gây nên nhiều tác hại đến môi trường và đời sống nhân dân. Bộ TNMT đủ thẩm quyền quyết định xử phạt nghiêm hoặc có thể đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc xử phạt này.
Luật sư Phan Đăng Thanh:
Ở nước ta, pháp luật đã quy định thẩm quyền phân xử “ai đúng, ai sai” thuộc quyền của cấp trên, tức trong trường hợp này là Chính phủ. Điều 124 Pháp lệnh nêu rõ: Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này. Đồng thời, Điều 91 Hiến pháp cũng như Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều nêu: Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có quyền giải thích pháp lệnh. Như vậy, để tăng cường nếp sống văn minh trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền, chúng ta mong chờ Chính phủ hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có ý kiến “phân thẩm” kịp thời trong trường hợp cụ thể này.
Luật sư Phan Trung Hoài:
Như vậy, điều rối rắm chính là có quá nhiều khái niệm được quy định trong pháp luật có nội hàm tương đương nhau mà ý nghĩa, thẩm quyền và cách thức giải quyết lại khác nhau, bao gồm “đình chỉ hành vi vi phạm”, “tước giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường” và “cấm hoạt động”. Nhưng dù được hiểu thế nào thì cũng không thể có việc “phân chia” thẩm quyền xử lý vi phạm của Vedan như cách làm hiện nay. |
Bài và ảnh: ĐOÀN HOÀI TRUNG