Đối với các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, việc xử lý rác thải hầu hết do đơn vị tự đảm nhiệm thông qua phương pháp truyền thống, như: Chôn lấp, đốt... Mặc dù khối lượng rác thải ở đơn vị không nhiều nhưng việc xử lý thủ công ít nhiều ảnh hưởng tới môi trường. Do đó, các đơn vị rất cần một phương pháp xử lý rác hiệu quả với chi phí hợp lý.
Xử lý rác thải sinh hoạt ở các đơn vị
Tìm hiểu thực tế ở Sư đoàn 301 (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội), Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), Sư đoàn 316 (Quân khu 2), Sư đoàn 395 (Quân khu 3)... chúng tôi nhận thấy việc xử lý rác thải sinh hoạt được chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm. Hầu hết các đơn vị đều triển khai phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ các đại đội, trung đội. Trong khu vực nhà ở của bộ đội, các đơn vị đều bố trí thùng đựng rác theo từng loại: Rác tái chế, rác hữu cơ. Các loại rác thải không thể tái chế, các đơn vị tổ chức chôn lấp tạo mặt bằng... Việc phân loại rác không chỉ góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường, mà còn mang lại ý nghĩa xã hội nhiều mặt. Ví như, ở Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, từ việc bán các loại rác có thể tái chế, như: Vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, hộp giấy... đã có nhiều "Ngôi nhà 100 đồng" được xây dựng tặng cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Nhìn chung cách xử lý như trên là hợp lý trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, việc chôn lấp, đốt rác như một số đơn vị đang thực hiện, dù được tiến hành cẩn thận ở các khâu, các bước, nhưng phần nào vẫn ảnh hưởng tới môi trường. Đối với các đơn vị đóng quân trong đô thị thì phải trả tiền cho công ty môi trường đô thị để thu gom, xử lý rác thải. Do đó, rất cần các phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt ở đơn vị để vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí. Trong thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân nghiên cứu, chế tạo lò đốt rác, xử lý rác thải theo phương pháp công nghiệp, song chi phí còn cao, quy mô không phù hợp với tính chất, điều kiện của các đơn vị quân đội.
 |
Trung tá Ngô Việt Đức (thứ ba, từ phải sang) giới thiệu sáng kiến lò đốt rác cải tiến. |
Xuất phát từ đòi hỏi thực tế của đơn vị, Trung tá Ngô Việt Đức, Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật, Ban CHQS huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã nghiên cứu chế tạo lò đốt rác cải tiến, áp dụng cho các đơn vị ở xa trung tâm, không thể thu gom rác thải theo hệ thống của công ty môi trường trên địa bàn. Từ khi áp dụng lò đốt rác cải tiến, Ban CHQS huyện Ba Chẽ không còn tình trạng ùn ứ rác thải sinh hoạt do phải chờ công ty môi trường hoặc phải chôn lấp như trước đây. Đơn vị có thể xử lý rác thải sinh hoạt trong ngày vào bất cứ thời gian nào mà không làm ảnh hưởng đến cán bộ, nhân viên trong đơn vị cũng như người dân trên địa bàn.
Lợi ích của sáng kiến
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Ngô Việt Đức cho biết: "Nguyên lý hoạt động của lò đốt rác cải tiến: Mồi lửa để khởi động lò đốt có thể dùng dầu hoặc than củi. Khi đốt rác thải, toàn bộ lượng khói sẽ không thải trực tiếp ra môi trường mà được xử lý qua bể nước vôi trong Ca(OH)2 và bể than hoạt tính. Tàn khói thải ra môi trường không mùi, bởi nước vôi và than hoạt tính đã hấp thụ hết khí độc. Cấn bụi theo nước sẽ lắng đọng lại trong bể. Lò đốt rác cải tiến giải quyết khá tốt những vấn đề bất cập ảnh hưởng đến môi trường, bảo đảm mỹ quan, cảnh quan đơn vị. Nếu cấp trung đoàn trước đây phải sử dụng 10-15 hố rác; cấp tiểu đoàn 4-5 hố rác; cấp ban CHQS huyện 2-3 hố rác thì nay thay vào đó chỉ cần sử dụng từ 1 đến 2 lò cải tiến xử lý rác thải là đủ phục vụ tiêu hủy lượng rác của đơn vị, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.
Lò xử lý rác thải cải tiến cấu tạo gọn nhẹ nên không tốn nhiều diện tích; nguyên vật liệu làm lò đốt dễ kiếm, giá thành rẻ. Với mỗi lò đốt rác làm bằng kim loại thì giá thành chỉ 5-6 triệu đồng, sử dụng được 5-7 năm tùy theo từng loại chất liệu. Lò đốt làm bằng kim loại có thuận lợi là đơn vị có thể di chuyển vị trí phù hợp với hướng gió. Với các đơn vị xây dựng lò đốt cố định bằng gạch thì giá thành rẻ hơn, chỉ 2-3 triệu đồng/lò...
Từ sáng kiến lò đốt rác cải tiến nêu trên, chúng tôi cho rằng các cơ quan chức năng, viện nghiên cứu cùng các đơn vị cần phối hợp nghiên cứu tìm ra giải pháp xử lý rác ở đơn vị một cách phù hợp, hiệu quả để triển khai áp dụng rộng rãi trong toàn quân.
Sau khi được giới thiệu tại Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do Bộ tư lệnh Quân khu 3 tổ chức (tháng 6-2018), sáng kiến lò đốt rác cải tiến đã được nhiều đơn vị trong Quân khu 3 nghiên cứu, áp dụng. Sản phẩm được trao giải nhất của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, năm 2018; đoạt giải B tại Hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp quân khu và được chọn tham gia Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện hậu cần do Tổng cục Hậu cần tổ chức. |
ĐÔNG NGA