Theo số liệu thống kê, đến nay, hơn 87% người trưởng thành ở Việt Nam đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Thời gian qua, hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, tạo cơ sở để việc thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng xấu hoạt động thông qua lừa đảo trực tuyến. Số liệu thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho thấy, năm 2023, lừa đảo trực tuyến tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến người dân thiệt hại khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng 150% so với năm 2022.
Người dân thường bị các đối tượng xấu lừa đảo thông qua các hình thức, như: Mạo danh nhân viên nhà mạng gọi điện yêu cầu nâng cấp sim điện thoại, từ đó chiếm quyền kiểm soát sim và tiền trong tài khoản ngân hàng; lừa cài đặt phần mềm giả danh cơ quan thuế, ứng dụng định danh điện tử; gửi tin nhắn giả danh ngân hàng để lừa người dùng làm theo hướng dẫn trên đường link giả mạo; kêu gọi đầu tư tài chính, đa cấp, làm cộng tác viên sàn thương mại điện tử việc nhẹ lương cao…
|
|
Một chủ tài khoản ngân hàng thực hiện xác thực căn cước công dân gắn chip trên điện thoại thông minh.
|
Đáng chú ý, trong các vụ lừa đảo trực tuyến, số tiền chiếm đoạt đều được chuyển vào những tài khoản “ảo” (tài khoản không chính chủ), sau đó được các đối tượng nhanh chóng rút ra hoặc “rửa” bằng nhiều cách khác nhau, khiến việc điều tra, truy vết, thu hồi rất khó khăn. Theo các chuyên gia, tài khoản ngân hàng không chính chủ chính là “công cụ hỗ trợ” đắc lực của các đối tượng lừa đảo trực tuyến. Nếu xóa bỏ được những tài khoản này, tình trạng lừa đảo trực tuyến sẽ có thể giảm đáng kể.
Tại hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, văn bản chỉ đạo, đặc biệt là Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18-12-2023 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2024).
Theo đồng chí Phạm Tiến Dũng, thực hiện hiệu quả Quyết định số 2345/QĐ-NHNN sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn tình trạng mở tài khoản ngân hàng bằng giấy tờ giả hoặc các đối tượng xấu lấy giấy tờ thật của người khác để mở tài khoản, từ đó sẽ loại bỏ dần các tài khoản ngân hàng không chính chủ. Như vậy, từ ngày 1-7-2024, cùng với quy định người dân muốn giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày cần phải xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng, những nỗ lực để xóa bỏ tài khoản ngân hàng không chính chủ theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN sẽ tạo “hàng rào” quan trọng để bảo vệ người dân trước các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến đang ngày càng tinh vi.
Chỉ tính từ ngày 1-7 đến đến 17 giờ ngày 3-7, đã có 16,6 triệu trên tổng số 170 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo, không chính chủ... Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, sau hơn một tháng triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, đã có gần 31,6 triệu hồ sơ khách hàng được thu thập, đối chiếu, đăng ký thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip thông qua ứng dụng điện thoại.
Dư luận mong rằng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các cơ quan liên quan… thực hiện nghiêm các quy định có liên quan để sớm hoàn thành mục tiêu đặt ra, xóa bỏ hoàn toàn tài khoản ngân hàng không chính chủ.
Bài, ảnh: TRUNG HIẾU
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.