 |
Nông dân xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang làm đất chuẩn bị gieo cấy. Ảnh: Duy Hùng
|
Hơn 30 năm đổi mới, ngoài xuất khẩu gạo đứng thứ hạng cao thế giới về sản lượng và giá trị, chúng ta còn xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam, như cà phê, tiêu, điều, cao su, thủy sản… Với đức tính chịu khó, hăng say sáng tạo trong lao động sản xuất, dần thích ứng với cơ chế thị trường, đời sống của người nông dân từ nghèo đói đến no đủ, từ no đủ vươn lên khá giả. Nông dân là lực lượng chủ công trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu ở nông thôn.
Nếu nói nông nghiệp của ta vững vàng, nhân dân phấn khởi, bức tranh nông thôn có nhiều gam màu tươi sáng, đó là nhận định đúng cả về lý luận và thực tiễn. Trong hơn 30 năm qua, chúng ta thấy sự phát triển vượt bậc của nông nghiệp, sự đổi thay căn bản của bộ mặt nông thôn và sự cải thiện mạnh mẽ đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.
Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã chỉ rõ, người nông dân vẫn tồn tại 5 "cái nhất", đó là: Nghèo nhất, nhiều bức xúc nhất, hy sinh nhiều nhất, đóng góp nhiều nhất và hưởng lợi từ thành tựu đổi mới ít nhất. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phát triển giai cấp nông dân Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, nông dân là chủ thể và nông thôn phải đổi mới. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước có thành công trước hết phải thành công trong CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Để CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thành công thì phải có người nông dân mới, bởi nông dân làm nông nghiệp, nông dân sống ở nông thôn, do đó, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nếu không có nông dân tham gia thì không thành công… Hình mẫu người nông dân mới, nông dân thời kỳ CNH, HĐH phải có tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới và có quyết tâm mới.
Điều này được thể hiện rõ, nông dân phải nhận thức đầy đủ, sản xuất nông nghiệp phải là sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị từ yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế thế giới. Nông dân có trình độ, kiến thức khoa học kỹ thuật tương ứng; lành nghề về nông nghiệp; có kỹ năng sử dụng máy móc, tin học, dịch vụ công, có thể lực và trí lực; biết giữ gìn và phát huy, hưởng thụ văn hóa; biết kết hợp bản chất cần cù với sáng tạo; có ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo; biết liên kết, hợp tác trong kinh doanh; có ý thức bảo vệ môi trường; có tình cảm tốt đẹp với gia đình, xã hội.
NGUYỄN QUỐC CƯỜNG