Những tín hiệu tích cực

Những ngày này, nông dân trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất vui mừng khi giá mặt hàng nông sản này đạt mức cao sau thời gian dài rớt giá liên tục và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, hiện hồ tiêu được người dân bán tại vườn với giá từ 88.500 đến 90.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu của Đồng Nai đạt 51 triệu USD, tăng gần 66,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh thị trường nông sản nói chung, xuất khẩu nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu hồ tiêu và một số mặt hàng nông sản khác đạt giá trị cao là tín hiệu vui cho thị trường nông sản cuối năm. 

Không chỉ xuất khẩu nông sản tăng trưởng, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh Đồng Nai cũng phát triển nhanh sau khi tỉnh thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế. Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, trong tháng 11-2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,06% so với tháng trước và tăng 9,67% so với tháng 11-2020.

 Công nhân làm việc tại Công ty Chemtrovina (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: KIM MINH

Tính đến đầu tháng 12, có 1.685 dự án trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ 99%; số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là hơn 540,6 nghìn người, đạt 88%.

TP Hồ Chí Minh-đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước-là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, cũng có sự phục hồi tích cực. Qua hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh tại thành phố cơ bản được kiểm soát, tình hình kinh tế-xã hội bắt đầu khởi sắc trở lại với nhiều điểm sáng.

Trong tháng 11, TP Hồ Chí Minh có 3.355 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 85,4% so với tháng 10-2021. Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết: Năm nay, dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Có 5/9 ngành dịch vụ tăng trưởng khá, huy động vốn tăng 7,5%, giải quyết việc làm tăng 101%, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5,8 tỷ USD, tăng 11%...

Đặc biệt, tổng thu ngân sách ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm 2021. Đây là điểm sáng đáng ghi nhận của TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh vô cùng khó khăn của dịch Covid-19.

Những tỉnh, thành phố khác tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng ghi nhận nhiều thành tích ấn tượng trong hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh, trong đó phải kể đến việc thu hút vốn đầu tư của tỉnh Bình Dương. Bất chấp những khó khăn, thách thức, trong năm 2021, dòng vốn FDI vào tỉnh vẫn tăng mạnh.

Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, đến ngày 15-11, tỉnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được hơn 2 tỷ USD (vượt 14,9% kế hoạch năm). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.011 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 37 tỷ USD. Bình Dương hiện đứng thứ hai cả nước về thu hút FDI, sau TP Hồ Chí Minh.

Duy trì đà tăng trưởng

Những tín hiệu đáng mừng trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đang tạo sức sống mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo các chuyên gia, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 phục hồi mạnh mẽ là do sau thời gian ngưng sản xuất để phòng, chống dịch Covid-19, nay tái sản xuất trở lại, các doanh nghiệp tăng tốc để kịp tiến độ giao hàng vào những tháng cuối năm khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Mặt khác, các địa phương đã ban hành hướng dẫn và xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế; đồng thời, tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như: Liên kết vùng, kết nối cung cầu, tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường...

 Công nhân làm việc tại Công ty Changshin (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: KIM MINH

Tuy nhiên, những gì cộng đồng doanh nghiệp đạt được mới chỉ là bước đầu trong quá trình phục hồi sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

Thực tế cũng cho thấy, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Chi phí của nhiều ngành sản xuất đang ngày càng tăng; công vận chuyển hàng hóa tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng; nguồn nhân lực cho các nhà máy, xí nghiệp chưa ổn định; thị trường bị thu hẹp do dịch bệnh... và sự xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong điều kiện trên, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp chủ động, tích cực vào cuộc cùng tháo gỡ khó khăn và chuẩn bị sẵn các phương án, kế hoạch nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.

Với vị trí, vai trò là trung tâm kinh tế gắn kết chặt chẽ với các địa phương, việc thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của cả vùng và cả nước.

Tại Kỳ họp thứ tư của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, các đại biểu nhận định, thành phố trải qua một giai đoạn đầy khó khăn do đại dịch và đang đối diện với những thử thách rất lớn buộc phải vượt qua; đồng thời, đề ra 20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6 đến 6,5%.

Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đây là chỉ tiêu phấn đấu rất cao, thể hiện quyết tâm rất lớn nhằm đáp ứng sự khát khao phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong thời gian tới".

Thành phố đã đưa ra hàng loạt giải pháp cấp bách, trong đó tập trung khắc phục sự gián đoạn của chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, các động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng tốc trở lại; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do Chính phủ ban hành; giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2022...

Dự báo, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tháng 12 tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để tiếp tục phục hồi.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương đẩy mạnh bao phủ tiêm vaccine ngừa Covid-19 và tiêm mũi tăng cường cho công nhân đã tiêm đủ hai mũi; tiếp tục hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể, thiết thực hơn cho doanh nghiệp; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong xuất khẩu; cung cấp vốn và lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, địa phương và doanh nghiệp cần có chính sách chăm lo phúc lợi và an sinh xã hội cho công nhân và người lao động ở các khu công nghiệp, giúp công nhân yên tâm sản xuất, bảo đảm nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

XUÂN DUY