Không chỉ lây qua vết cắn, bệnh còn có thể lây truyền từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh dại do cào hoặc liếm vào vết thương, những vùng da bị trầy xước trên cơ thể người. 

Bệnh dại khiến 76 người tử vong mỗi năm

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình bệnh dại ở động vật trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Tại 41 tỉnh, thành phố đã phát hiện và xử lý tổng cộng 15.082 con chó (chiếm khoảng 0,04% tổng đàn) nghi mắc bệnh dại.

Riêng 4 tỉnh (Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Nam và Bình Định) báo cáo xử lý hơn 1.000 con chó mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại tại mỗi tỉnh; 5 tỉnh (Sơn La, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Kon Tum và Tây Ninh) không báo cáo số liệu xử lý động vật, nhưng mỗi năm có từ 4 đến 7 người tử vong vì bệnh dại, nhất là tỉnh Sơn La có tổng cộng 17 người chết vì dại trong các năm 2017-2019.

Điều này cho thấy có sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý đàn chó, theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn tại nhiều địa phương (41 tỉnh, thành phố). Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Chó thả rông, không rọ mõm ở vườn hoa Hàng Đậu, Hà Nội.

Điều đáng lo ngại hiện nay là tại khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ, giai đoạn trước năm 2018 không ghi nhận ca bệnh dại trên chó. Tuy nhiên, từ năm 2018 có ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại tỉnh Cà Mau (thị trấn U Minh, huyện U Minh) và liên tục phát hiện tại tỉnh này hằng năm cho đến nay.

Bệnh dại không chỉ xuất hiện tại tỉnh Cà Mau mà có chiều hướng xuất hiện lan rộng ra các tỉnh khác trong khu vực: Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Đồng Tháp từ năm 2018 đến nay.

Từ 2017 đến nay, nước ta ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52/63 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012-2016 (438 người tử vong tại 48/63 tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có 88 người tử vong).

Cũng trong giai đoạn 2017 đến nay, miền Bắc ghi nhận số người tử vong vì bệnh dại cao nhất (146/378, chiếm hơn 39% của cả nước, tiếp đến là miền Trung (133/378, chiếm gần 36%, thấp nhất ở các tỉnh miền Nam (92/378, chiếm gần 25%). Tuy nhiên, trong 2 năm (2020-2021), bệnh dại có xu hướng gia tăng rõ rệt tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Nam, giảm ở miền Bắc và miền Trung.

Bệnh dại xảy ra rải rác các tháng trong năm, cao hơn vào các tháng nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 8). Trung bình mỗi tháng có 7-10 người bị tử vong do bệnh dại.

Tiêm phòng cho chó thấp - tiềm ẩn nguy cơ cao

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay: 5 năm qua, Chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại ở Việt Nam giai đoạn 2017-2021 đã đạt kết quả nhất định. Số ca tử vong do bệnh giảm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, tình hình bệnh dại trên người tại Việt Nam những năm gần đây vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tử vong cho nhiều người. Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất ở Việt Nam chỉ sau dịch Covid-19 hiện nay và bệnh sởi năm 2014. 

Nguy cơ tử vong do bệnh dại là 100% nếu không được tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó, mèo cắn mắc bệnh dại. Trong khi đó việc quản lý đàn chó và tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn chó ở nhiều địa phương vẫn còn thấp. Việc tiếp cận vắc- xin điều trị dự phòng cho người ở nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế. 

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: Công tác quản lý đàn chó của chính quyền một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa tốt. Người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông phổ biến dẫn đến cắn nhiều người trọng thương, cắn chết người. Hầu hết các địa phương chưa thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông, xử lý động vật nghi mắc bệnh dại. Việc tiêm vắc xin dại cho chó đạt tỷ lệ thấp hơn so với mục tiêu Chương trình đặt ra, nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vắc xin cho đàn chó chỉ đạt dưới 30% tổng đàn...

Bệnh dại gây ra hậu quả rất nghiêm trọng tới sức khỏe của con người. Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn ca tử vong ở người do bệnh dại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị, thời gian tới các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

Đồng thời triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý đàn chó, mèo; đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin cho chó, mèo, xử lý bệnh dại theo quy định của Luật Thú y. Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh dại với sự tham gia của cộng đồng. Chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin kịp thời giữa các ngành về biện pháp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM