Ngày 28-9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Y tế cùng phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, góp ý Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng chủ trì hội nghị.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2017-2021, về cơ bản tất cả các nội dung và giải pháp trong chương trình quốc gia đã được các cơ quan trung ương và địa phương tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, đạt nhiều kết quả nổi bật như: Không xuất hiện ổ dịch bệnh dại nghiêm trọng ở động vật; tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng từ 38,5% lên 49,2%; đã có 14 vùng an toàn bệnh dại và số tỉnh có nguy cơ cao giảm 30%...
 |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội sáng ngày 28-9. |
Cũng trong giai đoạn 2017 đến nay, miền Bắc ghi nhận số người tử vong vì bệnh dại cao nhất (146/378, chiếm hơn 39%) của cả nước, tiếp đến là miền Trung (133/378, chiếm gần 36%), thấp nhất ở các tỉnh miền Nam (92/378, chiếm gần 25%). Tuy nhiên, trong 2 năm (2020-2021) bệnh dại có xu hướng gia tăng rõ rệt tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Nam, giảm ở miền Bắc và miền Trung.
Bệnh dại xảy ra rải rác các tháng trong năm, cao hơn vào các tháng nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 8). Trung bình mỗi tháng có 7 - 10 người bị tử vong do bệnh dại. Một số nguyên nhân chính dẫn đến bệnh dại, bao gồm: Công tác quản lý đàn chó của chính quyền một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa tốt, chính quyền địa phương chưa chỉ đạo đầy đủ các ban ngành phối hợp thực hiện, người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông phổ biến dẫn đến cắn nhiều người trọng thương, cắn chết người. Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vaccine dại cho chó chưa được thực hiện nghiêm theo quy định.
Để giảm số người tử vong do bệnh dại gây ra, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho rằng trong thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh việc tiêm phòng cho chó, kiên quyết xử lý nghiêm những người nuôi chó không tuân thủ quy định của pháp luật về việc tiêm phòng cho vật nuôi, đặc biệt cần tiến hành tiêm phòng ngay cho người khi bị chó cắn.
Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM