Tại tỉnh đầu nguồn An Giang, mùa mưa đến, LLVT lại bước vào một “trận tuyến kép”: Vừa phòng, chống thiên tai, vừa đấu tranh với hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Trong gian khó, hình ảnh những chiến sĩ dân quân tự vệ và Bộ đội Biên phòng hiện lên như những “tường thành” mùa mưa kiên cường, bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió để gìn giữ bình yên cho những mái nhà, con kênh và từng tấc đất quê hương.
Trên tuyến đầu mùa mưa
Tháng bảy, khi phù sa bắt đầu đục ngầu trên những dòng sông lớn, cũng là lúc vùng biên giới An Giang bước vào thời điểm nhạy cảm nhất trong năm. Kênh Vĩnh Tế-tuyến giao thông thủy huyết mạch chạy dọc biên giới Việt Nam-Campuchia vốn hiền hòa, nay bỗng trở nên hung dữ bởi lưu lượng nước lớn từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về, trở thành mối đe dọa đối với mọi hoạt động đi lại, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
 |
Lực lượng dân quân diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn mùa mưa bão tại An Giang.
|
Không đợi nước lớn mới lo, không chờ dông bão mới ứng phó, lực lượng dân quân tỉnh An Giang đã sớm vào cuộc với tinh thần chủ động cao nhất. Những tổ tuần tra, chốt trực được thiết lập dọc tuyến kênh; những lá cờ đỏ cảnh báo nguy hiểm được cắm lên từng điểm nước xoáy, khu vực có nguy cơ sạt lở... như lời nhắc nhở người dân đề cao cảnh giác.
Gắn bó với tuyến kênh Vĩnh Tế suốt nhiều năm, anh Nguyễn Văn Liệt, dân quân phường Thới Sơn (tỉnh An Giang) chia sẻ: “Mùa lũ, nước dưới gầm cầu và các nhánh rạch chảy rất xiết, cực kỳ nguy hiểm. Phương tiện chủ yếu là ghe, sà lan chở nặng, gặp mưa lớn, gió mạnh rất dễ chao đảo, mất lái. Nhiều khi chỉ cần sơ suất nhỏ là xảy ra tai nạn. Vậy nên, anh em luôn có mặt để hỗ trợ, cảnh báo kịp thời cho bà con”.
Sự hiện diện thường xuyên của lực lượng dân quân đã trở thành điểm tựa tinh thần cho những người dân mưu sinh bằng ghe thuyền. Anh Nguyễn Văn Lây, phường Thới Sơn bộc bạch: “Ngày nào tôi cũng qua lại tuyến kênh này. Thấy các anh dân quân tuần tra, nhất là ban đêm, tôi rất yên tâm”.
Không chỉ bám trụ trên sông nước, lực lượng dân quân còn “lên bờ” để triển khai các phương án phòng, tránh thiên tai. Họ tỏa đi khắp các khu dân cư: Phát quang bụi rậm, chặt những cành cây có nguy cơ đổ gãy, chằng chống mái tôn, kiểm tra hệ thống thoát nước tại các hộ dân neo đơn, lớn tuổi... Những việc làm tưởng chừng bình thường ấy lại chính là lớp phòng tuyến đầu tiên bảo vệ người dân trước mỗi đợt mưa bão tràn về. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, người dân phường Thới Sơn, xúc động kể: “Nhà tôi cũ rồi, xiêu vẹo hết. May có mấy chú dân quân tới giúp buộc lại mái tôn, bắt thêm dây neo. Mưa gió mà thấy các chú lo trước như vậy, tôi yên tâm hẳn”.
Giữ bình yên biên giới
Nếu dân quân là điểm tựa nơi nội địa thì trên tuyến đầu biên giới, những người lính biên phòng chính là “tấm khiên” vững chắc ngăn ngừa hiểm họa từ bên ngoài. Địa hình và khí hậu mùa mưa ở miền Tây không chỉ tạo ra những thách thức tự nhiên mà còn vô tình trở thành điều kiện cho các đối tượng buôn lậu hoạt động.
Mùa nước nổi tràn về khiến phần lớn khu vực biên giới An Giang chìm trong biển nước. Những cánh đồng, bờ ruộng, đường mòn từng là tuyến kiểm soát chủ lực của lực lượng biên phòng nay ngập nước mênh mông. Các trạm, chốt kiểm tra khó duy trì vị trí cố định, việc di chuyển buộc phải phụ thuộc hoàn toàn vào xuồng máy hoặc lội bộ qua những đoạn ngập sâu, bùn lầy, có nơi nước dâng tới ngực. Trong điều kiện ấy, công tác tuần tra, mật phục gặp rất nhiều khó khăn và dễ bị lộ dấu vết.
Trung tá Trần Thanh Tâm, Phó đồn trưởng Nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn cho biết: “Thời tiết mùa mưa ở miền Tây thường kéo dài, dông lốc xuất hiện bất chợt, dòng chảy trên các tuyến sông xiết mạnh khiến tầm quan sát bị hạn chế. Trong bối cảnh ấy, một thực tế đáng lo ngại là ranh giới giữa sinh kế hợp pháp và hành vi vi phạm trở nên mờ nhòe”.
Nhiều đối tượng buôn lậu lợi dụng tình hình, tinh vi giả dạng người dân đánh bắt cá ban đêm, vận chuyển hàng hóa lẫn lộn giữa dụng cụ mưu sinh và hàng cấm nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Với phương tiện nhỏ, nhẹ như xuồng vỏ lãi, chúng dễ dàng di chuyển với tốc độ cao, len lỏi qua các lối mở, trà trộn vào dòng người dân trên sông nước để tránh bị phát hiện. “Tội phạm buôn lậu trong mùa mưa không còn là những hoạt động đơn lẻ, tự phát mà tổ chức theo đường dây khép kín: Có người cảnh giới, người vận chuyển, người theo dõi biến động của lực lượng chức năng. Một số đối tượng khi bị truy bắt còn manh động, sẵn sàng chống trả hoặc lao ghe vào đội hình tuần tra để tẩu thoát. Điều này không chỉ gây khó khăn trong bắt giữ mà còn đe dọa đến tính mạng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ”, Trung tá Trần Thanh Tâm cảnh báo.
Ban ngày mưa lớn, ban đêm lạnh giá và tầm nhìn hạn chế, nhưng những chiến sĩ biên phòng vẫn bám trụ trên từng đoạn biên giới. Giữa mưa gió, ánh đèn pin của các anh vẫn quét qua từng lùm cây, từng cánh đồng nước trắng xóa.
Đại úy Lê Văn Nguyên, Đội trưởng vũ trang, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương chia sẻ: “Những đoạn không thể di chuyển bằng xuồng, anh em phải lội nước. Trời mưa, gió lạnh, đi đêm rất vất vả, nhưng nếu lơ là, chỉ một phút cũng có thể xảy ra tình huống vượt biên hoặc vận chuyển hàng lậu”.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, các chiến sĩ biên phòng còn là lực lượng cứu hộ, cứu nạn hiệu quả, hỗ trợ bà con đi lại an toàn trong mùa mưa bão. Trên tuyến sông Tiền, đoạn biên giới qua xã Vĩnh Xương và xã Thường Phước (tỉnh Đồng Tháp), nơi mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu ghe qua lại, các chiến sĩ luôn có mặt kịp thời khi sự cố xảy ra. Ông Đoàn Thái Lộc, người dân xã Vĩnh Hòa cho biết: “Tàu ghe đi đêm gặp sự cố là Bộ đội Biên phòng có mặt ngay. Các anh nhắc bà con neo đậu đúng chỗ, phát áo phao, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh. Có lực lượng trực liên tục nên bà con rất yên tâm”.
Trong bức tranh mùa nước nổi đầy đối lập, giữa thiên nhiên hào phóng và hiểm họa rình rập, giữa sinh kế và ranh giới sinh tử, lực lượng dân quân và Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang như những “người giữ biên cương” thầm lặng. Chính từ những việc làm bình dị, chan chứa nghĩa tình và tinh thần trách nhiệm, họ đã tạo nên tấm lá chắn kiên cường, những “tường thành” mùa mưa vững chãi trở thành điểm tựa cho người dân nơi đầu nguồn biên giới.
THÚY AN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.