Sức mua có xu hướng tăng
Sau thời gian giãn cách xã hội, các chợ đầu mối và truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang dần khôi phục trở lại, đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt vào giai đoạn Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sự phục hồi dần của kênh phân phối truyền thống từ đầu tháng 10 đến nay đã góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá các mặt hàng, đặc biệt là rau củ, trái cây... Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (ngụ tại phường 25, quận Bình Thạnh) cho biết:
"Bây giờ mua sắm rất dễ dàng, không như mấy tháng trước, một số mặt hàng khan hiếm và giá cả không ổn định". Bà Hạnh cho rằng, dù thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nhưng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, bà cũng như nhiều người dân khác vẫn sẵn sàng chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu để có cái Tết no ấm.
Hiện tại, thị trường bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu sôi động trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng tích cực. Các chuyên gia cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian qua nên cuối năm người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ, có thể bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch.
Nhu cầu mua sắm sẽ chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán. Nhận định sức mua cuối năm thường có xu hướng tăng, hiện các chuỗi siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh như: Coopmart, Big C, Emart, Lotte Mart... đã lên các kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng; đồng thời đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
    |
 |
Người dân TP Hồ Chí Minh mua sắm trong một siêu thị trên địa bàn. Ảnh: HÙNG KHOA |
Để bảo đảm sức mua, nhiều siêu thị quyết tâm giữ giá dù các nhà sản xuất, cung ứng đề nghị tăng giá bán do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng. Đại diện Saigon Co.op cho biết, một số nhà cung cấp đề nghị tăng giá bán, nhưng phía siêu thị đã đề nghị giữ giá theo hợp đồng đã ký trước đó nên nhiều mặt hàng thiết yếu trong hệ thống hiện không tăng giá.
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cùng kỳ những năm trước, Sở Công Thương đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết.
Điều kiện đi lại khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên năm nay, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cùng các đơn vị cung ứng phải đi làm việc với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để rà soát lại nguồn hàng, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Dù có khó khăn nhưng việc cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần 2022 cho người dân thành phố sẽ được bảo đảm đầy đủ như mọi năm. Sở cũng sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, tình hình cung-cầu hàng hóa, triển khai các biện pháp giám sát, quản lý giá, bảo đảm cân đối cung-cầu, ổn định giá cả trên địa bàn thành phố.
Tăng tốc sản xuất, đẩy mạnh kết nối
Nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa, không để thiếu hụt nguồn hàng và biến động giá cả trong thời gian tới, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động đánh giá tình hình, chú trọng công tác dự báo, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp kích hoạt các phương án tạo nguồn cung dồi dào, tổ chức cung ứng hàng hóa ra thị trường.
Thành phố chủ động triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa liên tục, không để đứt gãy; chủ động triển khai các giải pháp cụ thể ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19. UBND thành phố cũng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn hàng cung ứng thị trường thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp chủ lực của ngành chế biến lương thực, thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh không giảm sản lượng và đang tăng tốc sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết.
Công ty Cổ phần Ba Huân (sản xuất, kinh doanh thịt và trứng gia cầm) đang đẩy mạnh sản xuất để sẵn sàng cung ứng khoảng 1,5 triệu quả trứng/ngày vào giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm, tăng hơn nửa triệu quả/ngày so với thời điểm bình thường.
Theo ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), sau thời gian phải thu hẹp kinh doanh do dịch bệnh, hiện doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất để bổ sung sản lượng hàng hóa phục vụ thị trường dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Công ty đã đầu tư hơn 754 tỷ đồng để sản xuất 2.800 tấn thịt lợn xô lọc (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và 4.200 tấn thịt chế biến (tăng 6%)...
Trong khi đó, các doanh nghiệp bánh kẹo, như: Tập đoàn KIDO, Công ty bánh kẹo Bibica... cũng đang tăng tốc chuẩn bị lượng hàng lớn đưa ra thị trường, số lượng tương đương năm trước nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; đồng thời bảo đảm không tăng giá.
Thời gian qua, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai có hiệu quả hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố và các địa phương; đẩy mạnh công tác tìm nguồn nguyên liệu, cung ứng cho thành phố những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội.
TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các tỉnh, thành phố trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thông qua việc rà soát, thống kê, giới thiệu các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ lực về mặt hàng lương thực, thực phẩm, năng lực sản xuất lớn, sẵn sàng cung ứng vào hệ thống phân phối, cửa hàng tiện lợi của mình.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh khẳng định: TP Hồ Chí Minh đã có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ; các địa phương này sẵn sàng cung ứng hàng hóa với giá hợp lý cho thành phố trong dịp Tết, ngay cả khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
XUÂN DUY