Cung-cầu tại thị trường KH&CN tại Nghệ An là khá lớn khi tỉnh có trên 15.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động, nhiều viện nghiên cứu, trường đại học... Tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN; thành lập các tổ chức trung gian có chức năng hỗ trợ, xúc tiến KH&CN như: Sàn giao dịch Công nghệ và Thiết bị  (CN&TB), Trung tâm Ứng dụng thiết bị KH&CN, Điểm kết nối cung cầu và 8 DN được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN.

Các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm KH&CN tại Sàn giao dịch CN&TB Nghệ An.

 DN tư nhân cơ khí Nhân Độ là một trong những DN tham gia giao dịch tại Sàn giao dịch CN&TB Nghệ An. Ông Lê Văn Thỏa, Giám đốc DN tư nhân cơ khí Nhân Độ cho biết: “Năm 2017, thông qua sàn giao dịch chúng tôi đã ký kết được 30 hợp đồng mua bán thiết bị cơ khí, như: Máy cắt đá bằng dây, máy doa lỗ di động, máy búa rèn và gàu bẫy xúc đá hộc, máy tiện đá... từ các đối tác trong và ngoài nước. Đây là môi trường thuận lợi giúp DN quảng bá sản phẩm, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ”.

Năm 2017, 280 DN tại Nghệ An tiến hành đổi mới công nghệ, trong đó, 52,9% DN thực hiện mua công nghệ kèm theo mua máy móc, thiết bị mới; có 27,6% DN mua thiết bị; 19,1% DN thực hiện mua công nghệ; 10,7% DN đổi mới công nghệ qua kỹ năng và kinh nghiệm của người lao động; số còn lại chưa thực hiện đầu tư chuyển giao công nghệ.

Tuy vậy, hoạt động thị trường KH&CN ở Nghệ An khá đơn điệu, chủ yếu là các giao dịch mua bán công nghệ đi kèm máy móc, thiết bị mà chưa chú ý đến việc khai thác tài sản trí tuệ hàm lượng công nghệ cao, như bản quyền công nghệ, sáng chế, giải pháp hữu ích. Thêm nữa, toàn tỉnh đã có 52 tổ chức KH&CN và 8 DN KH&CN, nhưng các tổ chức và số DN trên chưa có đóng góp nhiều trong cung ứng công nghệ cho các DN. Năng lực của các tổ chức KH&CN còn yếu, kết quả nghiên cứu từ các tổ chức này được đưa vào ứng dụng thực tiễn không cao.

Ông Võ Hải Quang, Giám đốc Trung tâm thông tin KH&CN, Trưởng sàn Giao dịch CN&TB tỉnh Nghệ An cho biết: “Tuy có nhiều khởi sắc, nhưng thị trường KH&CN trên địa bàn vẫn chưa sôi động. Nguyên nhân do các DN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa nên thiếu vốn để chuyển đổi công nghệ, trong khi các chính sách ưu đãi khó tiếp cận; vai trò các dịch vụ và tổ chức trung gian của thị trường KH&CN còn mờ nhạt, số lượng rất ít. Các dịch vụ KH&CN như pháp lý về sở hữu trí tuệ, thông tin công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ, đánh giá, giám định và định giá công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Các dịch vụ về tài chính như thị trường vốn và chứng khoán cho KH&CN, quỹ đầu tư mạo hiểm chưa hình thành”.

Phải nói thêm rằng, mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học và DN còn yếu. Các tổ chức như viện nghiên cứu, trường đại học, DN, tư nhân trên địa bàn còn ít kinh nghiệm trong việc chào bán hàng hóa KH&CN. Cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa nhiều và còn nhiều trở ngại nên DN chưa thực sự yên tâm đầu tư dài hạn vào công nghệ.

Tỉnh Nghệ An đã có chính sách để hỗ trợ khuyến khích các DN trong đầu tư đổi mới công nghệ theo Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND. Tuy nhiên, số DN được hỗ trợ của chính sách còn ít, vì các DN khi đầu tư đổi mới công nghệ chủ yếu là thay thế một số thiết bị hoặc công nghệ chỉ ở mức trung bình về tính mới, tính hiện đại so với trên thị trường, do đó không phù hợp với đối tượng để hưởng chính sách. 

Ông Lê Văn Thỏa nêu ý kiến: "Tỉnh cần ưu đãi cho DN vay vốn phát triển công nghệ. Việc thẩm định bản quyền công nghệ, sở hữu trí tuệ rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục vì thời gian thẩm định từ 36 đến 60 tháng là quá dài. Nhiều sản phẩm của DN chúng tôi đã làm thủ tục cấp bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ nhưng qua hai năm vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến việc bị ăn cắp bản quyền gây thiệt hại cho DN, trong khi cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý triệt để”.

 Có thể nhận thấy, cần phát triển các tổ chức trung gian hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, có chính sách ưu đãi thông thoáng cho đổi mới sáng tạo và xử lý việc vi phạm bản quyền thì các tổ chức, cá nhân trên địa bàn mới yên tâm nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ. Một thị trường KH&CN bắt kịp xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 còn là yếu tố ngày càng quan trọng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tìm đến với Nghệ An nhiều hơn, sớm đưa tỉnh trở thành trung tâm kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ.

HOÀNG HOA LÊ