Hơn lúc nào hết, chính quyền Thủ đô đang tập trung triển khai nhiều biện pháp để giúp các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, tạo lập nền tảng nhằm phát triển bền vững.

Tạo đà tăng tốc cho kinh tế

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nhưng 9 tháng năm 2021, thành phố vẫn duy trì đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 1,28%. Sang tháng 10-2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi, tuy nhiên lũy kế 10 tháng vẫn giảm sâu và tăng thấp so với kế hoạch. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 10-2021 tăng 5,09% so với cùng kỳ năm 2020, lũy kế 10 tháng giảm 7,8%; kim ngạch xuất khẩu tháng 10-2021 tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 10 tháng giảm 2,8%. Trong 10 tháng năm 2021, có 19.848 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 17.160 tỷ đồng; vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,21 tỷ USD. Thu ngân sách 10 tháng đạt 215.000 tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán Trung ương giao và 85,7% dự toán của thành phố, tăng 7,6% so với cùng kỳ, bảo đảm cân đối cho chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển, phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ ổn định an sinh xã hội. Đến nay, thành phố đã giải ngân và cho 9.886 người lao động vay vốn để phục hồi sản xuất thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội với số tiền 476 tỷ đồng. Rà soát, miễn, giảm, giãn, hoãn nộp thuế với số tiền hơn 22.600 tỷ đồng cho 38.000 DN, người nộp thuế; trong đó có 21.900 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn, 610 tỷ đồng tiền thuê đất giảm.

leftcenterrightdel
 Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Vinmart Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: VIỆT ANH

Trên cơ sở thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 1-11-2021 về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 quý IV-2021, năm 2022 và năm 2023 với 3 mục tiêu chính: Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách, củng cố nguồn thu cho ngân sách thành phố, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân; đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực còn dư địa phát triển. 

Cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp

Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội khẳng định, các DN Thủ đô luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất của Chính phủ và thành phố trong giai đoạn dịch bệnh. Song, phần lớn các DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, DN mong muốn Chính phủ, thành phố tiếp tục có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN, như: Tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo và cộng đồng DN; khảo sát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN; triển khai chính sách hỗ trợ DN thành lập mới; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ DN theo từng lĩnh vực; nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép DN giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế cho những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường xúc tiến thương mại, hội chợ trên nền tảng trực tuyến, có giải pháp mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, kết nối bên mua, bên bán, đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu...

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga kiến nghị, thành phố cần tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính, qua đó thúc đẩy tiến độ xây dựng, khởi công các dự án; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành ngành công nghiệp kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế Thủ đô. Theo bà Nguyễn Thị Nga, tại Việt Nam, ngành này đang chiếm 3% GDP, riêng Hà Nội chiếm 3,7% GRDP là chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Do đó, TP Hà Nội cần đưa du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, các DN đề xuất thành phố cần nhanh chóng có ngay các giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19”. Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với các DN; có những hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy... Các DN cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương đơn giản hóa những thủ tục, tập trung giải quyết dứt điểm những thủ tục còn tồn đọng để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

leftcenterrightdel
 Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: PHÚ SƠN 

Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết những điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy DN phát triển nhanh và bền vững. Đến nay, TP Hà Nội đã thu hút được hơn 201.000 DN thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn thành phố, đứng thứ hai toàn quốc, chiếm 23,7% tổng số các DN đang hoạt động của cả nước, góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách nhà nước, 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Đồng hành, chia sẻ trước những khó khăn của DN, với phương châm “sức khỏe của DN là sức khỏe của nền kinh tế”, chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Đối với những hồ sơ, dự án đầu tư đang tồn đọng tại các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương giải quyết dứt điểm, tháo gỡ kịp thời, trả lời thấu đáo cho DN và người dân. “Chúng tôi xác định đây là những nút thắt, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, có lẽ là nút thắt rất lớn, liên quan đến thủ tục hành chính, cần phải được tập trung giải quyết để khơi thông nguồn lực cho phát triển thành phố”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Thành phố Hà Nội cam kết tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các DN hoạt động và phát triển bền vững; bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của DN theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thành phố cũng đề nghị các DN tiếp tục nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư kinh doanh và các nghĩa vụ đối với Nhà nước...

NGUYỄN ANH VIỆT