Gần 16 triệu SIM bị khóa

Tại hội nghị sơ kết công tác thu hồi sim kích hoạt sẵn sai quy định trên các kênh phân phối ngày 20-1, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT ) cho biết, tính đến ngày 15-1-2017, quá trình triển khai thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối đã đem lại những kết quả như sau: Tổng số SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn được phát hiện trong hai giai đoạn là 17 triệu; tổng số SIM bị khóa đạt gần 16 triệu SIM; tổng số SIM đi đăng ký lại khoảng gần 1 triệu SIM, trong đó đa phần là đăng ký lại sau khi bị khóa tài khoản, còn lại là các SIM bị hủy do hết thời hạn sử dụng, chuyển sang trả sau.

Cụ thể, việc triển khai của 3 doanh nghiệp viễn thông di động lớn là Viettel, VinaPhone, MobiFone đã được chia thành 2 giai đoạn. Theo đó, ngày 21-11-2016, số lượng SIM rác bị khóa là gần 11,1 triệu SIM. Trong đó, Viettel khóa gần 3,7 triệu SIM, VinaPhone khóa gần 3,8 triệu SIM, MobiFone gần 3,3 triệu SIM, Vietnamobile là 262.000 SIM, Gmobile là 73.000 SIM. Tới ngày 22-12-2016, MobiFone khóa thêm 879.000 SIM, VinaPhone là 1,4 triệu SIM và Viettel là 2,35 triệu SIM và tới ngày 30-12-2016, Vietnamobile và Gmobile đã xác định số SIM nghi vấn lần lượt là 24.878 SIM và 14.508 SIM.

Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, trong thời gian tới, công tác thu hồi SIM kích hoạt sẵn còn một số vấn đề tồn tại cần tiếp tục được giải quyết, đó là: Theo bản cam kết, doanh nghiệp thực hiện thu hồi số thuê bao khi tài khoản hết hạn sử dụng đối với các SIM đã bị khóa. Trong khi đó thời hạn sử dụng tài khoản phụ thuộc vào gói cước của từng loại SIM, do đó các doanh nghiệp viễn thông di động cần tiếp tục duy trì công tác giám sát chéo lẫn nhau, bảo đảm việc thực hiện đúng cam kết.

leftcenterrightdel
 Một cửa hàng bán SIM di động tại Hoàng Mai, Hà Nội.

Tiếp tục rà soát thuê bao đang hoạt động

Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6-4-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy đinh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, tần số vô tuyến điện. Dự kiến, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6-4-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP sẽ được ban hành trong tháng 2-2017, với các quy định mới hướng tới một số cơ sở dữ liệu về thông tin thuê bao chính xác và loại bỏ việc mua bán SIM lưu thông kích hoạt sẵn.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. Các nội dung quan trọng của Nghị định này bao gồm: Thống nhất điểm cung cấp SIM và đăng ký thông tin thuê bao, theo đó, chỉ có các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập hoặc ký hợp đồng ủy quyền mới được cung cấp SIM cho khách hàng, sau khi khách hàng đã hoàn thành việc cung cấp thông tin theo quy định. Như vậy sẽ không còn tình trạng SIM kích hoạt sẵn được bày bán khắp nơi; Bổ sung loại hình điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động để tạo điều kiện hơn cho việc tổ chức đăng ký thông tin thuê bao của người sử dụng và quy định chỉ các doanh nghiệp mới được doanh nghiệp viễn thông  ký hợp đồng ủy quyền cung cấp dịch vụ viễn thông; Doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, kể cả các điểm ủy quyền; Đưa ra các mức xử phạt nặng cho hành vi vi phạm với từng chủ thể, đặc biệt là doanh nghiệp viễn thông buông lỏng quản lý hoặc cố tình tổ chức cung cấp dịch vụ sai quy định.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, trong lịch sử hơn 20 năm phát triển dịch vụ viễn thông di động ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên diễn ra sự kiện thu hồi SIM kích hoạt sẵn, 16 triệu SIM đã bị thu hồi và đã được trả lại cho kho số mà các doanh nghiệp đã được phân bổ để tái sử dụng. Tình trạng SIM có sẵn tài khoản khủng, SIM được khuyến mại vượt mức đã giảm rõ rệt. Hiện tượng bày bán tràn lan các SIM kích hoạt sẵn đã hầu như không còn. Người dân đã hợp tác đi đăng ký lại thông tin thuê bao. Thói quen mua, bán SIM kích hoạt sẵn dùng xong rồi bỏ của một bộ phận người sử dụng đã thay đổi. Đây là một kết quả vô cùng khích lệ.

Trong thời gian tới, để làm tốt công tác thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên kênh phân phối của các doanh nghiệp viễn thông di động, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo các đơn vị chức năng, doanh nghiệp viễn thông cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và chính xác để phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, cũng như góp phần quan trọng trong việc hạn chế tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, và đặc biệt là tạo nền tảng cho hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội trên mạng…

Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ sự cần thiết và nghiêm chỉnh chấp hành quy định mới khi Nghị định được ban hành, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, các cơ quan báo chí truyền thông cần tiếp tục phát huy sự quyết tâm, cố gắng, đồng lòng và tăng cường nhận thức trong toàn xã hội để đạt được mục tiêu đã đề ra. Mong rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Tết năm nay, khách hàng sẽ không nhận được những tin nhắn rác và nạn "SIM rác" sẽ được loại bỏ hoàn toàn, làm trong sạch môi trường mạng viễn thông. 

Ngày 22-1, đoàn công tác của Bộ TT&TT đã đi kiểm tra việc thu hồi, khóa sim kích hoạt sẵn tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn VNPT và Viettel. Đoàn kiểm tra về việc các nhà mạng thực hiện khóa sim kích hoạt sẵn từ tháng 1 đến tháng 3-2016 và tháng 11-2016. Kết quả, tại MobiFone, việc khóa sim kết thúc hồi 3 giờ 20 phút ngày 23-1, trong đó, số sim đã khóa là 824.925 sim; số lượng sim đăng ký lại, tự hủy là 147.387 sim. Tại Tập đoàn VNPT, việc khóa sim hoàn tất lúc 4 giờ; số sim bị khóa là 435.665, số sim đăng ký lại là 47.966. Tập đoàn Viettel thực hiện khóa sim xong lúc 15 giờ, số sim bị khóa là 907.511 chiếc, số sim đăng ký lại là 19.903 chiếc.

Bài, ảnh: VĂN PHONG