Ninh Bình nằm ở phía Nam Đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội hơn 90km. Diện tích đất, quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình không lớn nhưng sản phẩm nông sản của tỉnh lại phong phú, đa dạng.
Đặc biệt, những năm gần đây với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực của tỉnh, bà con nông dân đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ, an toàn, ưu tiên các sản phẩm nông sản truyền thống, đặc hữu, đặc sản. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh cũng đã được đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đã tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương.
Chị Trịnh Thị Hòa, thành viên hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn chia sẻ: “Nhờ có sàn TMĐT các sản phẩm của HTX được tiêu thụ trong toàn quốc. Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT cũng giúp các thành viên HTX thay đổi cách thức quản lý và phương thức bán hàng. Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi chú trọng hơn đến việc thiết kế bao bì, quy cách đóng gói sản phẩm bắt mắt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nhờ đó, sản phẩm tiêu thụ khá ổn định, góp phần tăng doanh thu và xây dựng thương hiệu sản phẩm của HTX”.
 |
Sản phẩm OCOP của Ninh Bình giới thiệu tại triển lãm là thành quả trong công tác chuyển đổi số thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
|
Với sự trợ giúp tích cực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Bình cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm của nông dân, đến nay, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã sử dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, không chỉ chú trọng chuyển đổi số tại cơ quan quản lý, Sở NN&PTNT tỉnh còn triển khai nhiệm vụ này tới các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, nhiều HTX đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh như: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đã được triển khai.
Đáng lưu ý, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình đã vận hành hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nguồn gốc, chất lượng an toàn thực phẩm và kết nối cung cầu nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1 (check.ninhbinh.gov.vn).
Kết quả, từ khi vận hành từ tháng 9-2022 đến nay đã hỗ trợ 134 cơ sở tham gia với 348 sản phẩm. Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh và một số sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Postmart.vn,…
Để hỗ trợ nông dân bắt nhịp cùng chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2025”. Một trong những hoạt động hỗ trợ của đề án là tổ chức trao tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng những mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu là các mô hình: Sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng; nuôi tôm thâm canh tại vùng ven biển huyện Kim Sơn; trồng bưởi; mô hình trồng đào áp dụng công nghệ tưới, tiêu tiết kiệm nước; nuôi dê núi theo chuỗi giá trị; các mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng rau, củ, quả trong nhà lưới có hệ thống tưới tự động...
Với những kết quả trên cho thấy, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình thời gian qua đang từng bước đưa chuyển đổi số vào trong từng nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Góp phần đưa nông nghiệp trở thành bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế.
BÌNH AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.