Các em học sinh nơi đây chủ yếu là người các dân tộc thiểu số như: Thái, Thổ, Mông, Khơ mú… đến từ các huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, trình độ nhận thức không đồng đều, phong tục tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, thiếu kỹ năng sinh hoạt, kỹ năng giao tiếp. Gần 10 năm qua, Lữ đoàn 654 đã phối hợp với nhà trường thực hiện mô hình “Kỹ năng sống cho em” mang lại hiệu quả, góp phần nâng bước các em đến trường.

Gần 10 giờ trưa, nắng như đổ lửa, gió Lào thổi rát làn da, chúng tôi có mặt tại vị trí huấn luyện 4 bài thể dục sáng của học sinh lớp 10C, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Phổ thông số 2 tỉnh Nghệ An. Từ xa đã nghe tiếng hô nhịp nhàng, động tác đánh tay đều, khỏe khoắn, cán bộ đơn vị và các em học sinh mồ hôi lăn dài trên gò má nhưng không khí luyện tập hăng say.

Qua tìm hiểu, gần 10 năm nay, cứ bước vào đầu năm học mới, cán bộ, đoàn viên, thanh niên Lữ đoàn 654, Cục Hậu cần, Quân khu 4 lại hành quân về Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Phổ thông số 2 tỉnh Nghệ An để thực hiện mô hình “Kỹ năng sống cho em”, với những việc làm như: Hướng dẫn điều lệnh đội ngũ; tập 4 bài thể dục sáng; huấn luyện võ thể dục tay không; gấp xếp chăn màn, sắp đặt đồ dùng trong phòng ở; kỹ thuật trồng rau xanh… 

leftcenterrightdel
Hướng dẫn phơi quần áo cá nhân cho các em học sinh. 

Thượng úy Lê Đình Chung, Phó đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 654, giáo viên huấn luyện cho biết: “Được giao nhiệm vụ làm giáo viên trong mô hình “Kỹ năng sống cho em”, với chúng tôi, đây là một nhiệm vụ vất vả, nặng nề vì điều kiện thời tiết nắng nóng, thời gian huấn luyện ngắn và nội dung huấn luyện nhiều, đối tượng huấn luyện là con em dân tộc thiểu số. Tuy vất vả là thế, nhưng chúng tôi cảm thấy đây là niềm vinh dự, tự hào để đưa những kiến thức, kinh nghiệm truyền thụ cho các em học sinh để các em vững tin bước vào năm học mới”. 

Tranh thủ giờ giải lao, em Hà Thị Kiều Oanh, dân tộc Thái, quê ở bản Quang Vinh, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An), học sinh lớp 10D, tâm sự: “Từ khi có các chú bộ đội ở Lữ đoàn 654 về triển khai chương trình “Kỹ năng sống cho em”, bản thân em cảm thấy rất vui và bổ ích, càng thêm yêu thương các chú bộ đội. Các chú bộ đội không chỉ dễ gần, vui tính mà còn hướng dẫn chúng em rất tận tình".

Thầy giáo Lô Thanh Bình, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Phổ thông số 2 tỉnh Nghệ An cho biết: “Khi các em học sinh xuống nhập học ở đây gần như kỹ năng sống chưa có, đơn giản như gấp xếp chăn màn, nội vụ vệ sinh, ăn uống tập thể… các em rất bỡ ngỡ, lạ lẫm. Tuy nhiên, khi được bộ đội Lữ đoàn 654 về huấn luyện các em học sinh đã thay đổi hoàn toàn".

Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và truyền thống của Lữ đoàn 654, bằng những việc làm hết sức giản dị, nhưng chan chứa tình yêu thương, sự đồng cảm sẻ chia của cán bộ, đoàn viên đơn vị đối với các em học sinh là dân tộc thiểu số đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong các cơ quan, đơn vị Cục Hậu cần, mà còn lan tỏa rộng rãi trong lực lượng vũ trang và nhân dân trên các địa bàn Quân khu 4.

 Bài, ảnh: TƯỜNG HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.