Đặc biệt, vào dịp hè, đánh vào tâm lý của phụ huynh, các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ nở rộ "như nấm sau mưa", nhất là ở các thành phố lớn. Nhưng sau một thời gian ngắn cho trẻ tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng sống với chi phí khá tốn kém, liệu kết quả có được như phụ huynh kỳ vọng?

Không thể phủ nhận việc tham gia các khóa học kỹ năng sống giúp trẻ được trải nghiệm trong dịp hè, hạn chế việc “làm bạn” với điện thoại hay dán mắt vào màn hình tivi, laptop, ipad... Nhưng hiện nay, các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống mọc ra tràn lan; nội dung, chương trình học không theo quy chuẩn, không thống nhất; nhiều nơi giáo viên tự vạch ra kỹ năng và chủ yếu dạy bằng kinh nghiệm với mục đích thu được lợi nhuận là chính. Trong khi đó, cơ sở vật chất không bảo đảm, thiếu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng...

leftcenterrightdel
Sau một thời gian ngắn cho trẻ tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng sống với chi phí khá tốn kém, liệu kết quả có được như phụ huynh kỳ vọng? Ảnh minh họa: cand.com.vn

Dễ nhận thấy, bất cứ chủ đề gì cũng có thể trở thành nội dung của lớp kỹ năng dành cho trẻ từ vài tháng tuổi đến học sinh trung học phổ thông. Theo nhiều chuyên gia, thời gian trung bình của một khóa đào tạo kỹ năng sống khoảng vài ba tuần. Vì thế, các em chưa nắm bắt được những kỹ năng cơ bản thì khóa học đã kết thúc.

Trang bị kỹ năng sống cho trẻ là việc làm cần thiết, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa giúp các em có ý thức, có khả năng làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh. Minh chứng cho vấn đề này, mới đây, 4 em nhỏ Colombia đã sống sót kỳ diệu trong rừng Amazon sau 40 ngày kể từ khi máy bay gặp nạn (đầu tháng 5-2023). Được biết, những kỹ năng của các em có được là do người bà truyền thụ.

Để có được kỹ năng sống, đòi hỏi phải qua một quá trình giáo dục, trải nghiệm phong phú, chứ không chỉ tham gia vài ba khóa học ngắn ngủi là có thể thành công. Muốn xây dựng kỹ năng sống cho trẻ thì gia đình là yếu tố quyết định. Thông qua sinh hoạt hằng ngày, những kiến thức, hành động, ứng xử của người lớn là tấm gương phản chiếu cho con trẻ. Bởi vậy, bố mẹ, người thân cần tạo ra môi trường cho con em học tập, rèn luyện, trải nghiệm hằng ngày, từ những kỹ năng nhỏ nhất như tự chăm sóc bản thân, biết cách qua đường, đến những kỹ năng sinh tồn như biết bơi, biết tìm lối thoát hiểm trong hỏa hoạn...

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục kỹ năng sống đối với học sinh. Những năm qua, mặc dù nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống đã được đưa vào trường học nhưng thời lượng ít, chưa có tính hệ thống... nên kỹ năng thực hành, khả năng tự chủ của trẻ còn rất hạn chế. Bởi vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh nội dung, chương trình giáo dục theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành, thực tế, trải nghiệm đối với học sinh. 

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ việc mở các trung tâm, các lớp dạy kỹ năng cho trẻ; ngăn chặn việc nhiều trung tâm lợi dụng tâm lý của phụ huynh để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống nhằm trục lợi về kinh tế; thậm chí tiềm ẩn yếu tố mất an toàn đối với trẻ em.

SƠN BÌNH