Tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Mèo Vạc, không khí đầu tuần khá nhộn nhịp. Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính trong tinh thần chủ động, phấn khởi. Chị Mua Thị Mai, tổ 2, xã Mèo Vạc, chia sẻ: “Tôi đến từ sáng để làm thủ tục khai sinh cho con. Nhờ được cán bộ hướng dẫn tận tình nên quá trình nộp hồ sơ diễn ra nhanh chóng. Giờ tôi chỉ chờ nhận kết quả”.
 |
Trung tâm phục vụ hành chính công xã Mèo Vạc (tỉnh Tuyên Quang) được bố trí khang trang, đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ người dân. |
Đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2025, Trung tâm phục vụ hành chính công xã Mèo Vạc là đầu mối tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Ngay khi vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, xã Mèo Vạc đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, phân công cán bộ phụ trách từng lĩnh vực: Nội vụ, tư pháp – hộ tịch, giáo dục, y tế, văn hóa, nông nghiệp, xây dựng, tài chính – kế hoạch… Mỗi lĩnh vực đều có cán bộ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, phối hợp với bộ phận chuyên môn xử lý và trả kết quả theo đúng thời gian quy định.
Cùng với tổ chức bộ máy, việc niêm yết công khai thủ tục, lệ phí, biểu mẫu và thời gian giải quyết giúp người dân dễ dàng tra cứu, thực hiện thủ tục đúng quy trình. Trung tâm hành chính công được bố trí không gian làm việc riêng biệt, có đầy đủ bàn tiếp dân, ghế ngồi chờ, bảng điện tử, hệ thống camera giám sát, máy đọc mã vạch, máy in, máy scan…
Trong 2 tuần đầu, Trung tâm đã tiếp nhận và xử lý nhiều hồ sơ hành chính, chủ yếu là đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, cải chính hộ tịch, chứng thực chữ ký… Tuy nhiên, một số hồ sơ vẫn chưa thể trả kết quả do chưa cập nhật hòm thư công vụ, chứng thư số và chữ ký số cá nhân.
 |
Công chức Trung tâm phục vụ hành chính công xã Mèo Vạc (tỉnh Tuyên Quang) tận tình hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính. |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, sử dụng phần mềm quản lý một cửa điện tử, kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, số hóa quy trình giải quyết TTHC. Tuy vậy, theo bà Thào Thị Dua, Phó giám đốc Trung tâm, vẫn còn những khó khăn nhất định: “Một số cán bộ trước đây chưa được trang bị máy tính, hiện đang phải dùng thiết bị cá nhân có cấu hình yếu, chạy phần mềm chậm. Một số cán bộ cũng chưa thành thạo phần mềm một cửa điện tử, gây chậm tiến độ giải quyết hồ sơ”.
Dù còn những khó khăn bước đầu, song hiệu quả của mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã bước đầu khẳng định qua sự hài lòng của người dân. “Trước đây tôi phải lên huyện để làm giấy tờ, giờ chỉ cần đến xã là có thể nộp hồ sơ. Cán bộ hướng dẫn kỹ, không phải đi lại nhiều”, anh Giàng Mí Tủa, người dân thôn Mã Pì Lèng, chia sẻ.
Tại xã Sơn Vĩ – đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba xã biên giới xa nhất gồm Thượng Phùng, Xín Cái và Sơn Vĩ (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cũ); chính quyền địa phương đang nỗ lực vượt qua khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông, vật chất để vận hành ổn định theo mô hình chính quyền hai cấp.
Cách trung tâm tỉnh Tuyên Quang mới khoảng 340km, xã Sơn Vĩ có gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong điều kiện địa bàn rộng, dân cư thưa, đi lại khó khăn, việc triển khai mô hình chính quyền mới đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt từ cơ sở.
 |
Trung tâm phục vụ hành chính công xã Sơn Vĩ (tỉnh Tuyên Quang) khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân. |
Theo ông Bàn Trung Thành, Phó chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã Sơn Vĩ, địa phương đã bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với điều kiện thực tiễn. Hiện Trung tâm có 9 cán bộ, gồm 1 giám đốc kiêm nhiệm, 1 phó giám đốc chuyên trách và 7 công chức chuyên môn phụ trách từng lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, quá trình vận hành vẫn còn không ít khó khăn: Một số cán bộ vừa được điều động từ các vị trí khác sang, chưa quen với lĩnh vực mới, cần thêm thời gian nghiên cứu, tiếp cận và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Các phần mềm dịch vụ công trực tuyến chưa được cấu hình, phân quyền, phân luồng đầy đủ nên gây khó khăn trong tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân.
Dù vậy, chính quyền xã Sơn Vĩ đang từng bước tháo gỡ vướng mắc, kiên trì cải thiện chất lượng phục vụ, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp, đảm bảo không để người dân vùng sâu, vùng xa bị bỏ lại phía sau.
Ông Vàng Mí Chơ, người dân thôn Bản Chuối, cách trung tâm xã hơn 15km, đến làm chế độ cho người khuyết tật tại Trung tâm hành chính công xã Sơn Vĩ. Dù phải đi từ sớm, ông vẫn cảm thấy phấn khởi. “Tôi đến đây được cán bộ giải thích dễ hiểu, làm nhanh, tôi chỉ ngồi chờ một lúc là xong”, ông Chơ nói.
 |
Đoàn viên, thanh niên các xã tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ người dân và chính quyền triển khai hiệu quả dịch vụ hành chính công.
|
Đặc biệt, để hỗ trợ người dân và chính quyền trong triển khai các dịch vụ hành chính công, hơn 140 đội hình thanh niên tình nguyện với gần 2.000 đoàn viên, thanh niên tại Tuyên Quang đã tham gia nhiều hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ cập nhật, làm sạch, đồng bộ dữ liệu dân cư và dữ liệu hành chính sau sáp nhập; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tài khoản định danh VNeID và các ứng dụng số dân sinh; tập huấn kỹ năng số cho cán bộ cơ sở; tổ chức các điểm tư vấn công nghệ lưu động; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển đổi số.
Dù còn không ít khó khăn ban đầu, nhưng mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại Tuyên Quang đang khẳng định hướng đi đúng, góp phần tinh gọn bộ máy, hiện đại hóa hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ. Với quyết tâm đổi mới từ cơ sở và sự ủng hộ của người dân, chính quyền sẽ ngày càng vững vàng, gần dân, vì dân – đúng với tinh thần phục vụ trong thời kỳ chuyển đổi số và cải cách toàn diện.
Bài ảnh: HÀ LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.