Vẫn còn mù mờ về máy ozone

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy ozone có xuất xứ trong nước và nhập ngoại được bày bán tại các siêu thị điện máy. Tùy theo tính năng của từng loại, máy của Trung Quốc có giá từ 500.000-1.500.000 đồng; máy khử độc ozone Sukawa O3 của Nhật Bản có giá từ 2.650.000-3.200.000 đồng; máy khử độc Kangaroo GL3199 có giá 890.000 đồng; máy tạo ozone NoNan KD-07 có giá 1.990.000 đồng; máy sục ozone Bách Khoa có giá dao động từ 2.000.000-2.500.000 đồng… Với nhiều chủng loại như vậy, người dân thỏa sức lựa chọn, nhưng phần lớn người tiêu dùng lại không biết rõ được tính năng, tác dụng thực của loại máy sục ozone.

Chị Phạm Thúy Nga ở 62 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình tôi đã mua và sử dụng máy khử độc ozone từ nhiều năm. Quả thật, khi dùng máy để xử lý thực phẩm trước khi chế biến, tôi thấy nước có mùi tanh. Theo như quảng cáo của hãng thì loại máy này có khả năng khử và diệt 99,99% vi khuẩn có hại trong rau, quả, thực phẩm. Nhưng thực chất thế nào tôi cũng không biết. Thôi thì mua về sử dụng cho yên tâm”.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải - người từng được gọi là "ông già ozon" - cho rằng: "Muốn tạo ô-dôn thì phải có ô-xi khô và độ sạch cao. Một số loại máy sục ozone hiện nay đang được bày bán trên thị trường có thể khử được một số khuẩn độc trong nước, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại. Bởi, trong nước có một số độc tố khi kết hợp với khí ozone có thể tạo ra chất độc hại hơn, cũng có trường hợp không tác dụng và có trường hợp giảm được độc tính. Trong khi đó, hầu hết người tiêu dùng không hề hay biết trong rau, củ, quả, thịt, cá… mà họ mua về có chứa những hóa chất nào".

leftcenterrightdel
Người tiêu dùng cần được tư vấn sử dụng kỹ trước khi dùng máy khử độc rau quả bằng ozone. 

Để chứng minh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải lấy một vài quả cà chua vào sục ozone, sau một thời gian, quả cà chua vẫn không sạch được chất bẩn bám bên ngoài vỏ. Như vậy, chất bẩn cũng như nấm mốc bám ở ngoài vỏ quả cà chua không thể khử được triệt để. Sau khi làm thí nghiệm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải giải thích, ozone chỉ có thể phân hủy được chất có hại trên bề mặt thực phẩm, còn các hóa chất đã thấm vào bên trong thì dùng máy sục ozone nhiều khi còn gây hại đối với người sử dụng. Do đó, người tiêu dùng không nên tùy tiện sử dụng máy sục ozone để làm sạch thực phẩm.

Những tác dụng phụ ít người biết rõ

Hiện nay, trên thị trường một số hãng sản xuất mặt hàng này quảng cáo sản phẩm của họ có thể khử được chất bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, diệt vi khuẩn đến 98,9%... Song, loại máy này có thể tiêu diệt được những loại vi khuẩn có hại hay không và nó có thể khử độc đến mức độ nào là điều người tiêu dùng quan tâm lại không thấy quảng cáo. Nói chính xác hơn, các nhà sản xuất khi chào bán máy chỉ quảng cáo những mặt tốt, mà tránh nói đến mặt trái của sản phẩm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải: "Máy ozone muốn sử dụng được phải có công suất lớn và phải có ô-xi khô. Cách làm của chúng ta hiện nay là rất nguy hiểm, nhà nào cũng có máy ozone, nhà nào cũng có máy lọc nước là không được. Xin lưu ý với mọi người, khi sử dụng loại máy ozone mà đóng kín phòng thì khí ozone sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp của người sử dụng, gây ho và làm hư hỏng các thiết bị điện khác trong gia đình. Thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, lại chạy theo thị hiếu sử dụng không đúng cách sẽ lợi bất cập hại".

Được biết, trong môi trường bình thường, khí ozone gặp không khí sẽ có phản ứng hóa học và tạo ra ô-xít ni-tơ (NO2), còn trong môi trường nước thì tạo ra HNO3, đây là những chất khí gây hại cho sức khỏe con người. Cho nên, muốn khử khuẩn được phải có máy công suất lớn từ hàng chục cho đến hàng trăm ki-lô-oát. Còn nếu muốn làm sạch chất bẩn như: Đất, cát,  giun, sán… người tiêu dùng có thể ngâm thực phẩm vào nước muối loãng, sau đó rửa dưới vòi nước sẽ loại bỏ được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất có hại khác bám trên bề mặt thực phẩm trước khi sử dụng.

Theo các nhà khoa học trong lĩnh vực này, một máy ozone đạt tiêu chuẩn phải có bộ phận xử lý làm khô không khí (thiết bị khử ẩm) để khắc phục tình trạng tạo ra NO2. Nhưng thực tế cho thấy, hầu hết các máy ozone bày bán trên thị trường đều không có bộ phận này, vì các nhà sản xuất rất sợ đưa bộ phận này vào giá thành sản phẩm sẽ đội lên rất cao, không tiêu thụ được. Người tiêu dùng ai cũng mong muốn có được rau, củ quả, thực phẩm sạch để dùng, nhưng muốn trở thành người tiêu dùng thông thái thì phải nghiên cứu, tìm hiểu ngọn ngành mọi vấn đề. Đây không phải là chuyện dễ dàng gì khi các nhà sản xuất đưa ra những lời quảng cáo hấp dẫn, thậm chí là lừa đảo. Chính vì vậy, khi có nhu cầu sử dụng máy sục ozone, người tiêu dùng nên tìm đến những địa chỉ có uy tín để nhận được những lời khuyên, hướng dẫn cụ thể. Có như vậy mới không bị rơi vào tình trạng "mua cũng sợ, không mua cũng sợ" như hiện nay. Còn các cơ quan chức năng, những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này cũng cần khẩn trương vào cuộc để thẩm định các loại máy đang bày bán trên thị trường, trên cơ sở đó có những khuyến cáo cụ thể với người tiêu dùng để họ biết cách mua sản phẩm chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Bài và ảnh: ANH THƯ