Nước ta hiện có hơn 26.000 tàu cá khai thác xa bờ tại các ngư trường như: Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực thềm lục địa phía Nam... Để hỗ trợ cho hoạt động khai thác của bà con ngư dân, tại các đảo xa bờ, Nhà nước ta đã đầu tư hệ thống cảng cá, âu tàu để cung cấp dầu, nước ngọt, nhu yếu phẩm và dịch vụ mua, bán hải sản cho ngư dân.

Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã được đầu tư xây dựng 4 âu tàu: Song Tử Tây, Đá Tây, Trường Sa, Sinh Tồn cùng các trung tâm dịch vụ hậu cần-kỹ thuật nghề cá. Những năm gần đây, các đơn vị tại thị trấn Trường Sa đã đón hàng trăm lượt tàu với hàng nghìn lượt lao động vào tránh trú trong âu tàu của các đảo, hơn 440 thuyền viên bị tai nạn lao động trên biển đã được cấp cứu kịp thời. Ông Nguyễn Đức Toàn, ngư dân đánh bắt tại ngư trường Trường Sa cho biết: “Các âu tàu được xây dựng đồng bộ, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề biển, dịch vụ hậu cần-kỹ thuật giúp ngư dân an tâm bám biển dài ngày, giảm đáng kể chi phí trong mỗi chuyến đi biển. Tàu mình bị chết máy, cách đảo bao nhiêu hải lý cũng chỉ cần điện báo vào đất liền. Sau đó, đất liền thông tin ra đảo để tàu của đảo chạy ra kéo vào khắc phục”.

Trung tâm Dịch vụ Hậu cần-Kỹ thuật đảo Trường Sa tặng cờ Tổ quốc, nhu yếu phẩm cho ngư dân. 

Tàu cá PY 96377TS vào neo đậu tại âu tàu Trường Sa trong tình trạng máy chính bị hỏng hóc, thiếu nước ngọt sinh hoạt. Ngay khi cập bến, tàu đã được các cán bộ, chiến sĩ tại Trung tâm Dịch vụ Hậu cần-Kỹ thuật đảo Trường Sa (Hải đoàn 129, Quân chủng Hải quân) tiến hành hỗ trợ sửa máy thành công và cấp nước ngọt miễn phí. Ông Trần Văn Nam ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, thành viên trên tàu PY 96377TS chia sẻ: “Trước đây chưa có các trung tâm dịch vụ hậu cần-kỹ thuật thì cực lắm. Hỏng hóc nhỏ là chúng tôi phải tự sửa chữa, nặng hơn thì phải gọi cứu nạn, thậm chí có nguy cơ bị chìm”.

Theo anh Trần Minh Tuấn, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Hậu cần-Kỹ thuật đảo Trường Sa, các sản phẩm, dịch vụ mà đơn vị đang thực hiện cung ứng cho ngư dân gồm: Cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm bằng giá niêm yết của Nhà nước tại đất liền; cấp nước ngọt miễn phí; sản xuất và cung ứng nước đá; miễn phí các dịch vụ cầu cảng, neo đậu; bố trí chỗ ăn, nghỉ cho ngư dân vào tránh trú bão; hỗ trợ, chăm sóc, cấp phát thuốc miễn phí; thu mua và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác và nuôi trồng về đất liền cho ngư dân theo giá thỏa thuận; ngư dân vào đảo được hưởng các dịch vụ văn hóa, tinh thần do đơn vị tổ chức... Điều này giúp bà con giảm chi phí và nâng cao thu nhập cho mỗi chuyến đi biển.

Đồng chí Nguyễn Công Diễn, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng cho biết, trên đảo hiện có 2 âu tàu với sức chứa hơn 1.000 phương tiện, bảo đảm cho tàu trọng tải hơn 1.000 tấn ra vào thuận lợi. Những năm qua, các tàu cá khai thác ở ngư trường vịnh Bắc Bộ thường xuyên ra, vào đảo để mua nhu yếu phẩm, nhiên liệu và bán một số loại hải sản. Hoạt động này giúp người dân trên đảo có thêm nguồn thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Chính quyền huyện đảo xác định rõ hậu cần nghề cá là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương; các cơ sở bảo đảm đầy đủ ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm và đủ năng lực sửa chữa tàu, thuyền đáp ứng được nhu cầu của bà con. Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn, chủ tàu cá ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật nghề cá ở đảo Bạch Long Vĩ đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của ngư dân. Khi đánh bắt ở ngư trường vịnh Bắc Bộ, chúng tôi thường vào đây bán mực rồi mua dầu, mua nước đá, nhu yếu phẩm. Nhờ thế, mỗi chuyến ra khơi của chúng tôi được kéo dài hơn, mang lại hiệu quả kinh tế hơn”.

 Bài và ảnh: TUẤN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.