Vị trí đầu tàu, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Thủ đô Hà Nội thời điểm được hợp nhất (tháng 8-2008) có diện tích 3.328,89km2 với dân số 6.230 nghìn người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Đến nay, dân số (ước tính đến tháng 6-2023) là 8.564,5 nghìn người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất), có 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn (tăng 2 phường).
Kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008 - 2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, năng suất lao động năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động, gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động); tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2012 - 2022 đạt 5,24%.
Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển lành mạnh. Hệ thống các tổ chức tín dụng của thành phố tiếp tục được sắp xếp, cơ cấu lại.
|
|
Nút giao Long Biên - Nguyễn Văn Cừ được hoàn thiện đồng bộ gồm cầu vượt thép lớn nhất Việt Nam, hầm chui đường sắt... với tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giao thông các tuyến cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô với Quốc lộ 5, đường 5 kéo dài. |
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 58 tỷ USD (gấp 1,93 lần so với năm 2008). Lạm phát được kiểm soát tốt; thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 3,4% năm 2022, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước.
Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. Giai đoạn 2011 - 2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm (cao hơn bình quân chung 6,67%). Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá. Hiện thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động. Kinh tế tri thức, kinh tế số của Thủ đô dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao.
Diện mạo đô thị và nông thôn đổi mới rõ rệt
Mới đây tại cuộc làm việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trên địa bàn Thủ đô, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan đánh giá cao kết quả mà Hà Nội đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là đã khai thác tương đối hiệu quả các chính sách đặc thù quy định trong các nghị quyết của Quốc hội. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo thành phố có nhiều thay đổi.
Theo đó, diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy. Đến nay, đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (còn 3 huyện: Mỹ Đức, Ứng Hoà, Ba Vì đang hoàn thiện hồ sơ); 382/382 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
|
|
Diện mạo khang trang của xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. |
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa dần đi vào thực chất.
Nhiều năm liền Hà Nội dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn. Lĩnh vực khoa học và công nghệ được quan tâm đầu tư phát triển. An sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Từ năm 2018 không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn.
Hà Nội thực hiện đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn. Đặc biệt, vừa qua, cùng với các tỉnh liên quan, Hà Nội đã khởi công Dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội.
Chính trị ổn định; an ninh, quốc phòng được tăng cường; đối ngoại mở rộng
Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện. Phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao. Lực lượng vũ trang Thủ đô đã tích cực, chủ động tham gia một cách hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Công tác đối ngoại và hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng. Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, vùng địa phương trên thế giới. Giai đoạn 2011 - 2022, Hà Nội đã ký kết 83 thỏa thuận quốc tế. Hằng năm, lãnh đạo Thành phố đã tiếp xúc, làm việc với trên 200 đoàn khách, đối tác quốc tế; duy trì hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp.
Nhiều di sản văn hóa, danh hiệu cao quý được UNESCO vinh danh, đặc biệt sau kỷ niệm 20 năm “Thành phố vì hòa bình”, năm 2019, Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là thành viên của “Mạng lưới thành phố sáng tạo” với lĩnh vực đăng ký tham gia là “Thiết kế sáng tạo”. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Thủ đô đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh và hướng tới trở thành một thành phố sáng tạo tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
|
|
Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Ảnh: TTXVN
|
Khát vọng mới, tầm vóc mới
Với ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng Hà Nội là thành phố “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”, là thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, Thành phố kết nối toàn cầu, Thành phố sáng tạo, thời gian tới, Hà Nội sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và báo cáo Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.
Phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển một số chuỗi sản xuất công nghiệp - công nghệ cao, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistics; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là du lịch văn hóa.
Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện; phấn đấu hoàn thành 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trước năm 2030, trong đó phấn đấu có khoảng 50% trường đạt chuẩn cấp độ 2.
Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
|
|
Phối cảnh khu trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương tại Hà Nội theo ý tưởng quy hoạch, kiến trúc đoạt giải cao nhất. Ảnh do Bộ Xây dựng cung cấp |
Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, đến năm 2030 ngang bằng và có khả năng cạnh tranh với các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực tiếp cận các nước phát triển trên thế giới. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe Nhân dân, gắn với phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.
Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng tối đa khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của người dân, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở...
Ngoài ra, Hà Nội còn đặt mục tiêu hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. Đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô. Phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ Thành phố ngày càng vững chắc.
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, các danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, để bản sắc Hà Nội trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô. Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác phát triển trong tất cả các lĩnh vực.
THANH SƠN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.