Trước tình hình dịch bệnh đang ngày càng có những diễn biến phức tạp, Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron từ công dân nhập cảnh về nước, hiện cách ly tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho thấy Covid-19 đang trở thành mối lo lớn nhất của Thủ đô.
 |
Xét nghiệm Covid-19 cho người dân trên địa bàn Thủ đô. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Nhờ độ bao phủ tiêm chủng rộng với kết quả tiêm cho người trên 18 tuổi mũi 1 đạt 98,4%; mũi 2 đạt 97,7% nên số F0 trở nặng tại Hà Nội không nhiều so với thời điểm đỉnh dịch ở TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, thành phố có 20.156 F0 đang điều trị, trong đó có 14.226 F0 đang điều trị, cách ly tại nhà, số còn lại điều trị tại bệnh viện, các cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện. Tổng số người tử vong tính từ đầu dịch đến nay tại Hà Nội là 131 người (tính đến ngày 28-12).
Với việc cùng cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/ NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Hà Nội đã mở cửa nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ từ tháng 10-2021. Tuy nhiên, mới đây, trước bối cảnh các ca Covid-19 không ngừng tăng cao, thành phố đã ngay lập tức linh hoạt điều chỉnh cấp độ phòng, chống dịch. Theo đó, 8 quận nội thành được xác định ở cấp độ 3 về nguy cơ dịch Covid-19 bao gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Long Biên, Tây Hồ chỉ cho phép các quán bán hàng ăn mang về.
Có thể thấy, các cấp, ngành tại Thủ đô đang rất sát sao, quyết liệt cho công tác chống dịch. Đích thân đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong nhiều cuộc họp cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao y tế cơ sở, không để nhân dân Thủ đô có bệnh mà không được chữa; F0 không được theo dõi, điều trị tận tình; người bệnh trở nặng không được kịp thời phát hiện để chuyển tầng điều trị phù hợp. Tâm thế của Thủ đô trước giặc dịch Covid-19 là bình tĩnh, không hoảng sợ tuy nhiên, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh đến việc cần loại bỏ tâm lý chủ quan trong chống dịch từ chính quyền cơ sở đến người dân.
Qua nhiều đợt Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, kinh nghiệm cho thấy, ý thức người dân đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh lây lan diện rộng. Công cuộc chống dịch không thể thành công nếu người dân còn thờ ơ, bàng quan, đứng ngoài cuộc chiến.
Tại Hà Nội, hiện nay, khi các cấp chính quyền đang nỗ lực đảm bảo nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch, cũng là lúc cần sự góp sức, hỗ trợ của người dân Thủ đô. Do nhiều F0 mắc bệnh thể nhẹ, Hà Nội đã cho phép việc cách ly, điều trị F0 tại nhà. Việc điều trị tại nhà giúp giảm gánh nặng lên y tế Thủ đô đồng thời tạo điều kiện tâm lý thoải mái cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu F0 không tuân thủ nghiêm túc các quy định cách ly điều trị tại nhà thì đây sẽ vô tình trở thành nguồn lây nhiễm vô cùng nguy hiểm trong cộng đồng.
Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, dù đã được tiêm chủng, người dân không được coi thường các nguy cơ nhiễm bệnh, cần nghiêm túc chấp hành quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện 5K, tránh tụ tập đông người, nêu cao ý thức phòng, chống dịch cho bản thân và cộng đồng.
Rõ ràng, thích ứng với Covid-19 đòi hỏi các cấp, ngành, chính quyền thành phố cũng như từng người dân Thủ đô cần bình tĩnh, không hoảng sợ nhưng tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan, thờ ơ trước dịch bệnh, thay vào đó cần chủ động phòng, tránh dịch bệnh.
BĂNG CHÂU