Đằng sau những mẹt sấu đó là gương mặt khắc khổ của những người từ miền quê nghèo lên đây kiếm sống bằng đủ thứ nghề, trong đó có “nghề hái sấu”.

leftcenterrightdel
Quả sấu - thức quà không thể không nhắc đến khi nói đến Hà Nội.

Những con người cùng khổ mưu sinh nơi phố thị

Đoạn đường từ đường Hoàng Diệu rẽ phải ra Phan Đình Phùng là nơi tập kết của gần chục vị trí bán sấu trên con đường này. Mỗi vị trí cách nhau chừng 2-3m.

Người đứng ở vị trí thứ hai là anh Tình, người Thanh Hóa. Anh cho biết: “Chúng tôi đều cùng quê Thanh Hóa, gần làng, gần xã nhau cả, nên lên đây nương tựa nhau mà sống, bao bọc nhau chứ không tranh giành hay chèo kéo khách của nhau”.

Thường ngày công việc chính của anh Tình là chạy xe ôm công nghệ Grab, nhưng độ tháng 5, tháng 6 hằng năm, anh lại tạm gác công việc chính của mình để đi hái sấu cùng anh trai. Với thâm niên chục năm trong nghề hái sấu, anh có thể thuộc nằm lòng, kể vanh vách vị trí những cây cho nhiều quả trên các cung đường thành phố.

“Chạy xem ôm vất vả lắm chứ, chạy từ sáng đến khuya cũng chỉ được vài ba trăm nghìn đồng nên tôi tranh thủ hái sấu được ngày nào hay ngày đấy” – anh Tình tâm sự.

leftcenterrightdel
Những quả sấu cuối mùa, chín có, ương có, xanh có, trông rất bắt mắt. 

Ngồi cạnh anh Tình là chỗ của vợ chồng chị Tuyết, anh Thứ. Thường ngày, anh Thứ là người phụ trách trèo hái sấu, còn vợ anh đứng bán. Cả năm hai vợ chồng vất vả mưu sinh với nghề đánh giày ở Ngô Sĩ Liên. Nhưng cứ đến mùa sấu là cả hai lại tất tả với công việc này. Lần này, có cả sự trợ giúp của cậu con trai 14 tuổi, được nghỉ hè lên Hà Nội giúp mẹ bán hàng.

Với chất giọng Thanh Hóa đặc trưng, tay nhanh thoăn thoắt, vừa đổ từng bao tải sấu ra bày, vừa mời gọi người qua đường mua sấu, lúc vắng khách, hai mẹ con chị ngồi phân loại sấu, bởi cuối mùa, sấu xanh, sấu chín, sấu ương có đủ cả. Tùy từng loại sấu mà giá sẽ cao thấp khác nhau. 

Chị Tuyết cho biết, hiện giờ, sấu chín giá sẽ cao hơn cả, khoảng 40.000 đồng/kg, trong khi giá sấu xanh cuối mùa hiện nay chỉ còn tầm 20.000 đồng/kg. Trung bình một ngày gia đình chị có thể kiếm được 500.000 đến 700.000 đồng, gấp 2 đến 3 lần so với công việc chính – đi đánh giày của chị. Chính vì vậy, mặc dù biết là nguy hiểm rình rập, nhưng với những người lao động như anh Tình, chị Tuyết, anh Thứ, đó là động lực, để cuộc sống hằng ngày của họ dễ thở hơn một chút.

leftcenterrightdel
Cuối mùa, sấu chín được ưa chuộng hơn cả, bởi vị ngọt mát thơm dịu của nó. 

Gian nan nghề hái sấu

Một ngày của những người bán sấu bắt đầu từ rất sớm, với dụng cụ đơn giản là những chiếc móc dài, bao tải và dây thừng. Từ khoảng 3 đến 4 giờ sáng, hai anh em Thứ, Tình đã thoăn thoắt leo lên những thân cây sấu cao 20-30m ở đường Phan Đình Phùng, Trần Phú. Hai bóng người dần mất hút sau tán lá dày đặc.

leftcenterrightdel
 Chị Tuyết ngồi tỉ mẩn cạo từng quả sấu.

Công việc quả thực rất nguy hiểm, bởi những cây sấu già cao đến hàng chục mét, những người hái sấu leo đứng hay ngồi vắt vẻo trên những cành cây nằm ngang mà không hề có thiết bị bảo hộ.

Nguy hiểm là thế, nhưng anh Tình cho biết: “Trèo cây hái sấu cực lắm nhưng đổi lại thu nhập cao hơn đi xe ôm, mùa sấu chẳng còn bao lâu nữa nên chúng tôi phải tranh thủ”.

Còn với vợ chồng anh Thứ, anh cho biết: “Trèo cây hái sấu rất khó khăn và rất nguy hiểm, thế nhưng vì đồng tiền, miếng cơm nên đành chấp nhận. Hơn nữa, tìm được công việc kiếm được đồng tiền mà không phải mất đồng vốn nào là điều không đơn giản. Làm hôm nay nhưng phải nghĩ đến ngày mai.”

Những hôm “trúng mánh”, anh Thứ có thể hái được tới 50kg sấu trong một buổi sáng. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng được như vậy. “Chồng đi leo cũng khổ, mà mình ngồi bán cũng khổ. Nhưng không có tiền thì khổ hơn nhiều, nên phải cố gắng”, chị Tuyết xúc động nói.

leftcenterrightdel

Con chị Tuyết đã quá quen thuộc với những cơn mưa bất chợt của Hà Nội.

Những cơn mưa rào bất chợt của tháng 8 dường như chính là nỗi ám ảnh lớn nhất của những người hái sấu. Bởi những hôm trời mưa, là coi như nghỉ, không thể trèo cây hái sấu bởi cây trơn trượt, hơn nữa mưa to cũng rất nguy hiểm khi leo trèo ở ngọn cây.

Vừa bày hàng được lúc trước, lúc sau trời đã lất phất giọt mưa, mẹ con chị Tuyết lại tất tả cho sấu vào bao tải, động tác nhanh nhẹn, dứt khoát, “người ướt chứ nhất định không được để sấu ướt” , vì sấu một khi dính nước mưa sẽ hỏng rất nhanh. Dù trời mưa nắng thất thường nhưng cứ hửng nắng là hai mẹ con chị lại tay năm tay mười thoăn thoắt bày hàng ra bán.

Sấu Hà Nội, một món quà đặc trưng của Thủ đô nay lại còn là "cần câu cơm" mang lại thu nhập khá cho những người lao động nghèo. Thứ quả mang dư âm mùa hè của Hà Nội ấy là món quà của mẹ thiên nhiên, cũng là công sức mồ hôi, tính mạng của người thợ hái sấu. Một mùa sấu nữa sắp hết, mong những người vất vả mưu sinh trên những ngọn cây, trên những con đường kia bớt nhọc nhằn...

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.