Tuy nhiên, thời gian gần đây, dự án PPP giao thông ngày càng vắng bóng, ngoài nguyên nhân do xử lý những vấn đề còn tồn tại cũng cần nói đến tính khả thi, hấp dẫn của dự án, làm cơ sở để thu hút vốn đầu tư.
Tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV), Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Một trong những chính sách nhận được nhiều sự quan tâm là đề xuất tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP giao thông không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.
Theo quy định hiện hành, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư. Đối với dự án hạ tầng giao thông có đặc thù quy mô lớn, quy định này gây ra không ít vướng mắc. Đặc biệt, có những dự án cần giải phóng mặt bằng nhiều, riêng số tiền để giải phóng mặt bằng đã chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu khống chế tỷ lệ 50% vốn Nhà nước tham gia tại dự án PPP sẽ dẫn đến khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Thực tế, một số dự án PPP về hạ tầng giao thông phải chuyển sang phương thức đầu tư công vì không có nhà đầu tư quan tâm.
 |
Quang cảnh hầm Núi Vung thuộc dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh minh họa |
Đề xuất của Chính phủ về việc tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án PPP được kỳ vọng sẽ tạo động lực hơn nữa trong việc huy động vốn đầu tư tư nhân. Từ đó, có thể xây dựng phương án tài chính phù hợp, thu hút được nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng. Chính sách này đang được đề xuất triển khai thí điểm, nếu được thông qua, trong quá trình thực hiện sẽ rút kinh nghiệm để có điều chỉnh phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, hướng đến mục tiêu có thêm nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh sự tham gia của Nhà nước, yếu tố nhà đầu tư mong muốn là khả năng thu hồi vốn và hiệu quả thu được từ số tiền bỏ ra. Trong trường hợp nếu lưu lượng phương tiện không đạt con số như dự báo ban đầu hoặc phương án thu phí hoàn vốn, lộ trình tăng phí bị thay đổi, nhà đầu tư thường sẽ gánh thiệt hại. Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định nhưng chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng... dẫn đến các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quan ngại khi tham gia các dự án này. Do đó, đề xuất của Chính phủ về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức PPP sẽ chưa xử lý triệt để được những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Nhằm khắc phục căn bản những vấn đề đang đặt ra với dự án PPP, cần có giải pháp đồng bộ về hoàn thiện quy định của pháp luật cũng như quá trình triển khai thực hiện. Qua đó, giúp khơi thông dòng vốn xã hội hóa vào hạ tầng giao thông và các công trình, dự án cấp thiết khác.
MẠNH HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.