Những con số ấn tượng

Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007) đến nay, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam đã tăng lên 2,94 lần từ mức 111,3 tỷ USD năm 2007 lên mức 327,8 tỷ USD năm 2015. Trong đó, nhập khẩu tăng 2,6 lần và xuất khẩu tăng 3,3 lần, tương ứng với kim ngạch 165,7 và 162,4 tỷ USD vào năm 2015. Những con số ấn tượng này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2016” do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây đã làm nức lòng nhiều đại biểu.

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng vừa công bố kim ngạch xuất, nhập khẩu quý I và dự báo quý II với những con số đáng mừng. Tính chung quý I năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 37,9 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu dịch vụ quý I năm nay của cả nước ước  đạt 2,92 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 2,02 tỷ USD, chiếm 69,2% tổng kim ngạch và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2015. 

Trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Điện thoại và linh kiện đạt 7,6 tỷ USD, tăng 14,2%; hàng dệt may đạt 5,2 tỷ USD, tăng 7,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,8 tỷ USD, tăng 5,7%; giày dép đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 2 tỷ USD, tăng 12%; thủy sản đạt 1,4 tỷ USD, tăng 4,6%; gạo đạt 635 triệu USD, tăng 29,3%; rau quả đạt 532 triệu USD, tăng 43%...

Do chưa làm tốt khâu bảo quản nên hàng thủy sản xuất khẩu của ta được bán với giá thấp. Ảnh: PHÚ QUÝ. 

Về đơn đặt hàng xuất khẩu quý II năm nay so với quý I, có 38,6% số doanh nghiệp dự kiến tăng; 12,6% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 48,8% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Vẫn còn nhiều khó khăn, cản trở

Dù có những bước tiến ngoạn mục, nhưng con đường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường nước ngoài vẫn gặp không ít khó khăn và lực cản. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2016” nói trên. Theo một số đại biểu, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay hầu hết phụ thuộc vào trung gian thương mại, chưa tiếp cận trực tiếp với người mua, vì thế chưa chú trọng đến những yếu tố cạnh tranh khác như xây dựng thương hiệu. Nếu đơn thuần chỉ là xuất khẩu sản phẩm gia công dưới thương hiệu nước ngoài hoặc cố gắng cạnh tranh bằng giá thì lâu dài chúng ta luôn bị động về mặt thị trường, kênh phân phối. 

Mặt khác, giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ. Chính sách phát triển xuất khẩu trong thời gian qua quá chú trọng đến chỉ tiêu về số lượng, chưa thật sự quan tâm đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu. Việt Nam chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có khả năng tham gia vào khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. 

Vấn đề đáng lưu tâm là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua tăng chủ yếu là nhờ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khối doanh nghiệp trong nước tăng không đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu quý I năm này của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 10,8 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đã đạt 27,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2015. 

Tình trạng nông sản xuất khẩu vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm và các thủ tục hành chính rườm rà vẫn đang là lực cản trên con đường xuất khẩu hàng hóa của chúng ta.

 

Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu  Đồng Giao (Ninh Bình). Ảnh: TTXVN.

Tháo gỡ bằng cách nào?

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam, do TPP là khu vực thương mại tự do rộng lớn, chiếm tới 40% tổng GDP thế giới, các tập đoàn lớn trên thế giới sẽ có động lực di chuyển chuỗi sản xuất của họ về khu vực TPP, điều đó tạo ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. TPP sẽ là cơ hội cho Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế và hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện môi trường kinh doanh của Việt Nam không chỉ có nhiều trở ngại, nhiều điều kiện chưa thuận lợi mà còn kém an toàn. Hiện có một số bộ, ngành vẫn tiếp tục ban hành giấy phép con, điều kiện kinh doanh trong thông tư, phớt lờ Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, do đó cần phải được rà soát thường xuyên để bảo đảm tính nhất quán.

Theo các diễn giả và đại diện các doanh nghiệp tham gia “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2016”, để có được thành công trong quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng trong thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần thực thi hàng loạt giải pháp trong đó có việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu, phải coi đây là mục tiêu hàng đầu. Cùng với việc nâng cao chất lượng là tổ chức sản xuất để giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tổ chức việc thu thập, phân tích, khai thác thông tin thương mại một cách trực tiếp và thường xuyên để nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bám sát và tiếp cận được tiến bộ của thế giới trong sản xuất kinh doanh, chủ động tìm kiếm bạn hàng, thị trường, tổ chức sản xuất và xuất khẩu theo nhu cầu và thị hiếu của thị trường. Tổ chức kết nối thị trường trong và ngoài nước để định hướng sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa đến tất cả các ngành, phân ngành, nhất là hàng nông sản. Chủ động có giải pháp cụ thể thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN và các hiệp định thương mại tự do, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Văn phòng Chính phủ cho biết: Vào ngày 29-4-2016,  Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 sẽ được tổ chức với tên gọi “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Hội nghị nhận được sự quan tâm rất lớn của các bộ, ngành, địa phương, dư luận và cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Mục tiêu của hội nghị nhằm thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Các nội dung đề ra là đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; tập trung xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giải quyết hiệu quả các kiến nghị của doanh nghiệp. Hy vọng nhiều vướng mắc trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ được tháo gỡ tại hội nghị này.

ĐỖ PHÚ THỌ