Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được chính quyền và doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở của NLĐ...
Nhu cầu cao về nhà ở
Từ Bình Thuận vào TP Hồ Chí Minh làm việc đã gần 10 năm, nhưng gia đình anh Hồ Văn Nam vẫn phải ở trong căn nhà trọ rộng khoảng 20m2 tại TP Thủ Đức. Dù rất muốn mua được căn nhà để ổn định cuộc sống, nhưng với thu nhập khá khiêm tốn nên đó vẫn chỉ là niềm mong mỏi của vợ chồng anh Nam. Ước mơ của gia đình anh Nam cũng là mong muốn của hàng nghìn NLĐ có thu nhập thấp đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, người có thu nhập thấp tại đô thị chiếm khoảng 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, công nhân lao động, người nhập cư. Hiện, TP Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 280.000 công nhân, trong đó, 6 khu công nghiệp, khu chế xuất đã có nhà lưu trú công nhân. Nhưng chỉ 15% công nhân được thuê nhà ở tại các nhà lưu trú này, còn lại hơn 80% phải thuê nhà trọ bên ngoài, với diện tích phổ biến khoảng 12m2/phòng cho từ 2 đến 4 người.
Nhiều năm qua, nhu cầu nhà ở của NLĐ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh luôn ở mức cao nhưng các dự án nhà ở cho người có thu thập thấp lại không nhiều. Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền (dưới 2 tỷ đồng/căn) và nhà ở xã hội dành cho NLĐ có thu nhập thấp luôn trong tình trạng khan hiếm, trong khi các dự án bất động sản cao cấp lại dư thừa. Mặt khác, tình trạng giá nhà đất tăng quá cao trong thời gian dài dẫn đến việc thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là thiếu nhà ở có giá vừa túi tiền NLĐ thu nhập thấp, đồng thời đẩy chi phí thuê mặt bằng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tăng cao. Những yếu tố trên tác động trực tiếp đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở của TP Hồ Chí Minh cho người dân, đặc biệt là NLĐ có thu nhập thấp.
 |
Người lao động ngoại tỉnh đến TP Hồ Chí Minh làm việc, sinh sống luôn mong có một nơi an cư để lập nghiệp. Ảnh:: TTXVN |
Đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội
Dịch Covid-19 vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề tới người dân thành phố, đặc biệt là NLĐ có thu nhập thấp. Vì vậy, việc bảo đảm nhà ở cho NLĐ trong giai đoạn hiện nay càng trở nên quan trọng. Trước nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân lao động, TP Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội để công nhân, NLĐ dễ dàng tiếp cận. Ngay đầu tháng 9 năm nay, thành phố đã động thổ hai dự án nhà ở xã hội, dự kiến sẽ cung cấp gần 1.500 căn nhà cho công nhân, người thu nhập thấp. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, có tổng quy mô 19.000m2, cung cấp 764 căn nhà với diện tích từ 28 đến 85m2. Tiếp theo là dự án nhà ở xã hội thuộc dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7), được xây dựng trên khu đất rộng 6.994,3m2. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp khoảng 712 căn hộ cho khoảng 1.400 NLĐ có thu nhập trung bình. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến phát triển 2,5 triệu mét vuông sàn nhà, tương đương 35.000 căn nhà ở xã hội.
Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tích cực vào các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn về thủ tục pháp lý, chi phí xây dựng tăng cao... Đại diện Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành cho biết, nhà ở cho người thu nhập thấp đang có nhu cầu rất cao, nhưng lượng nhà làm ra không đủ cung ứng trên thị trường là do thủ tục quá chậm và không có quy trình riêng. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi doanh nghiệp xây nhà ở cho người thu nhập thấp trên lý thuyết tương đối tốt, nhưng thực tế là rất khó tiếp cận. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi các sở, ngành và đơn vị liên quan về trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Theo đó, về trình tự thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất đề xuất của Sở Xây dựng thành phố chia thành hai trường hợp. Với doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trình tự thủ tục gồm 5 bước, tổng thời gian thực hiện tối đa 153 ngày làm việc. Trường hợp dự án nhà ở xã hội xây dựng trên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý (đất công), được đầu tư không phải bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì quy trình thực hiện gồm 7 bước. Với những dự án này, UBND thành phố yêu cầu thêm bước đánh giá năng lực của chủ đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư; thời gian thực hiện tối đa 318 ngày. Nhiều chuyên gia đánh giá, với những nỗ lực của chính quyền thành phố sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Để có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Nhà nước và chính quyền thành phố cần có thêm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm tiền sử dụng đất khoảng 50%, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho chủ đầu tư; tạo điều kiện hơn nữa để NLĐ tiếp cận các khoản vay ưu đãi khi mua nhà ở xã hội". Theo ông Lê Hoàng Châu: Ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội thì 4 ngân hàng thương mại gồm: Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank cần được tạo điều kiện để tham gia cho các cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi khi mua nhà ở xã hội. Khi có nhiều ngân hàng được tham gia sẽ giúp NLĐ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay; đồng nghĩa với việc họ cũng sớm có nhà để "an cư, lạc nghiệp".
DIỆU THƯ