Người lao động mong chờ
Trong hai năm chịu tác động bởi dịch Covid-19, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp... Gần đây, người lao động rất phấn khởi khi biết sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động...
Sự quan tâm kịp thời này đã tiếp thêm động lực để người lao động vượt qua khó khăn. Ngay khi có thông tin Quyết định 08 được ban hành, chị Nguyễn Hoàng Mai (công nhân Công ty TNHH SD Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long) rất phấn khởi. Vợ chồng chị cùng làm trong khu công nghiệp, mức lương hằng tháng khoảng 12 triệu đồng, hai con đang đi học, lại phải thuê nhà nên cuộc sống khá chật vật. Hai năm qua, dịch Covid-19 khiến vợ chồng chị nhiều lúc muốn bỏ về quê nhưng bàn đi tính lại, vì sự học của các con nên cả nhà lại cố bám trụ ở Hà Nội.
“Với những công nhân nghèo như vợ chồng tôi, khoản tiền từ chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ như chiếc phao cứu sinh giúp chúng tôi phần nào vượt qua khó khăn thời dịch bệnh, bão giá. Chúng tôi rất mong chính sách hỗ trợ sớm được triển khai và thủ tục nhanh gọn để chúng tôi giảm bớt gánh nặng”, chị Mai tâm sự.
 |
Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tặng quà người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ảnh: MẠNH DŨNG
|
Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2020, Việt Nam có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Năm 2021 được kỳ vọng là năm phục hồi nhưng sự bùng phát đợt dịch thứ tư đã tác động đến thị trường lao động nghiêm trọng hơn so với những hậu quả của dịch bệnh mà năm 2020 trải qua.
Đặc biệt, trong quý III và quý IV-2021 - tương ứng với 28,2 triệu và 24,7 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó 2,3 triệu người bị mất việc; 12,4 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; 8,8 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 16,9 triệu lao động bị giảm thu nhập.
“Chính sách hỗ trợ một phần tiền thuê nhà trọ cho người lao động nhằm mục đích phục hồi thị trường lao động. Quyết định này không chỉ hỗ trợ người lao động có tiền thuê nhà mà còn gián tiếp giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động cũng như phục hồi thị trường lao động sau đại dịch Covid-19. Không những vậy, chính sách hỗ trợ còn là động lực để người lao động gắn bó với doanh nghiệp, yên tâm sản xuất, cải thiện năng suất lao động”, ông Vũ Trọng Bình nhận định.
Thủ tục nhanh gọn, đơn giản
Theo ước tính ban đầu của Bộ LĐ-TB&XH, khoảng 3,4 triệu lao động sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Hai nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng) và 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).
Vậy làm thế nào để chính sách này đến đúng đối tượng được thụ hưởng, tránh bị trục lợi? Đồng thời, cách thức triển khai chính sách và thủ tục như thế nào để tạo thuận lợi cho người lao động? Về việc này, ông Vũ Trọng Bình thông tin thêm: Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quyết định 08, nhiều địa phương cũng đang ban hành các hướng dẫn để triển khai Quyết định 08, thủ tục triển khai cố gắng đơn giản ở mức tối đa, thời gian thực hiện chi trả được rút ngắn, tối đa là 11 ngày.
 |
Chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ảnh: MẠNH DŨNG |
Người lao động sẽ phải tự làm đơn có xác nhận của chủ nhà trọ. Doanh nghiệp tổng hợp, niêm yết danh sách công khai ít nhất 3 ngày; cơ quan BHXH xác nhận danh sách trong 2 ngày. Thời gian từ lúc UBND cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày. Doanh nghiệp chi trả cho người lao động trong 2 ngày kể từ khi nhận được kinh phí hỗ trợ.
Để tránh trục lợi chính sách sẽ thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của công an trên từng địa bàn để xác nhận đối tượng, giám sát. Để người lao động nhận được gói hỗ trợ nhanh nhất, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, hướng dẫn doanh nghiệp, người sử dụng lao động sớm lập danh sách người lao động để được xác nhận và hỗ trợ theo quy định.
Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) thông tin thêm, cơ quan BHXH cam kết tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định; không để hồ sơ quá hạn; trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi chuyển lại nhiều lần. Ngành BHXH tập trung nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận và xác nhận sớm nhất việc tham gia BHXH bắt buộc của người lao động; thời gian giải quyết tối đa là 2 ngày làm việc. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin kịp thời để người lao động có đủ điều kiện nhanh chóng tiến hành thủ tục gửi đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH xác nhận nhằm được nhận hỗ trợ kịp thời, công khai, minh bạch.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc chưa phù hợp với thực hiện, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp thu và điều chỉnh để chính sách sớm đến với người lao động. Bộ LĐ-TB&XH sẽ cùng với các ngành liên quan triển khai thực hiện nhanh nhất, tốt nhất, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
HÀ VŨ