Trong hơn hai năm đương đầu với dịch Covid-19, cùng chung tay với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mức lương tối thiểu vùng vẫn giữ nguyên, qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí. Khi dịch bệnh bùng phát tại nhiều địa phương, trong đó có khu vực tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất, hơn ai hết, những công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Để kiên trì bám trụ với công việc, không ít người phải chấp nhận cuộc sống vất vả, thiếu thốn hơn.

Đến nay, khi dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh về cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường, người lao động lại phải đối mặt với sức ép từ chi phí sinh hoạt tăng cao. Nhiều mặt hàng thiết yếu đã thiết lập một mặt bằng giá mới, trong khi mức lương vẫn không đổi khiến người lao động càng phải tằn tiện, chắt chiu. Điều này sẽ khiến chất lượng cuộc sống của họ suy giảm, thậm chí có trường hợp không bảo đảm mức sống tối thiểu.

Cần kịp thời tăng lương cho người lao động. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% và áp dụng ngay từ giữa năm thay vì để đến đầu năm sau như thông lệ được đánh giá là giải pháp kịp thời giúp người lao động trang trải được chi phí cuộc sống và yên tâm gắn bó với công việc. Tuy nhiên, vừa qua, một số hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp có ý kiến đề nghị lùi thời gian áp dụng mức lương mới đến ngày 1-1-2023 do cộng đồng doanh nghiệp cần có thời gian hồi phục sau đại dịch và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực. Ý kiến này mới chỉ xét từ một phía, chưa thấy hết khó khăn của người lao động.

Bản thân doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận, tăng lương không chỉ hỗ trợ người lao động mà còn tạo động lực giúp tăng năng suất lao động và giữ chân nguồn nhân lực. Qua đó tạo cơ sở để xây dựng đội ngũ nhân lực lành nghề, góp phần vào sự phát triển của chính doanh nghiệp. Không chỉ tăng lương theo quy định chung mà những người sử dụng lao động còn cần nỗ lực hơn nữa để cải tiến sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao hơn, tạo nguồn tích lũy để không ngừng cải thiện thu nhập cho người lao động.

Một vấn đề đang được đặt ra hiện nay là có sự chênh lệch đáng kể giữa mức lương tối thiểu với mức thu nhập đủ sống. Mặc dù liên tục được điều chỉnh nhưng nếu chỉ nhận mức lương tối thiểu theo quy định, cuộc sống của nhiều người vẫn rất chật vật. Họ phải tìm cách để có thêm những nguồn thu nhập khác, phổ biến là tăng ca, nhận thêm việc ngoài giờ. Điều này về lâu dài sẽ bào mòn sức khỏe, không có đủ thời gian để tái sản xuất sức lao động. Vì vậy, mục tiêu cần hướng đến là người lao động có mức thu nhập không chỉ bảo đảm trang trải cho cuộc sống hiện tại mà còn có thể hưởng thụ các giá trị vật chất, tinh thần và tạo nguồn tích lũy cho tương lai. Đây cũng là nền tảng để người lao động có điều kiện trau dồi tay nghề, nâng cao trình độ, năng lực, đáp ứng được yêu cầu tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

ĐỖ MẠNH HƯNG