 |
Các học viên đang học nghề tại cơ sở 3 của Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng. |
Tại phòng học may của trung tâm, cô giáo đang hướng dẫn học sinh hoàn chỉnh các sản phẩm may mặc. Em Phạm Thị Thu Diễm cầm trên tay chiếc áo sơ mi vừa hoàn thành, phấn khởi khoe với chúng tôi: “Chiếc áo này do chính tay em vừa may đó”. Nhìn những chiếc áo sơ mi, những chiếc quần lửng do các em trực tiếp làm ra, chúng tôi thấy chất lượng, mẫu mã đẹp không kém gì các sản phẩm may mặc mùa hè đang có trên thị trường. Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên dạy may tại trung tâm cho biết: "Để dạy các em nắm bắt được kỹ thuật may cơ bản là điều không dễ. Vì các em bị nhiễm CĐDC, mỗi em mang trong mình những khuyết tật khác nhau về trí tuệ, vận động, về thính giác... Do vậy, giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại, thường xuyên theo sát, hướng dẫn cụ thể từng em".
Được biết, những năm trước, các trang thiết bị dạy may của trung tâm còn sơ sài, đơn giản. Tháng 8-2018, Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam Huế (tại Thừa Thiên-Huế) đã hỗ trợ trung tâm nâng cấp phòng học, đồng thời trang bị 20 chiếc máy may công nghiệp hiện đại để dạy may cho các em. Mới đây, Hội NNCĐDC TP Đà Nẵng phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ và kỹ thuật Trần Hưng Đạo-Hà Nội tổ chức lớp học sơ cấp may công nghiệp cho 27 em là NNCĐDC tại trung tâm. Sau 3 tháng học tập, các em đã làm được sản phẩm hoàn chỉnh để bán ra thị trường phục vụ mùa hè; 15 em được trung tâm giới thiệu đến các công ty, doanh nghiệp, cơ sở may tư nhân tại địa phương để làm thêm, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Trung Hiếu, Phó giám đốc trung tâm cho biết: "Hiện nay, trung tâm có 120 trẻ em bị ảnh hưởng CĐDC và trẻ em khuyết tật đang theo học tại các cơ sở. Hầu hết các em bị thiểu năng trí tuệ nên không thể theo học các trường và trung tâm xã hội khác ở cộng đồng. Do vậy, tùy từng loại bệnh của các em, trung tâm phân loại, áp dụng các hình thức dạy học, gồm lớp dạy văn hóa, lớp dạy trẻ khiếm thính. Đối với những em không thể học được, trung tâm áp dụng các hình thức vui chơi, học vẽ, học hát..., giúp các em từng bước hồi phục dần các chức năng về vận động và trí tuệ, hòa nhập cộng đồng".
Với lòng nhiệt tâm, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, những năm qua, Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng trở thành địa chỉ tin cậy trong việc chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng, giúp các em bị ảnh hưởng CĐDC và trẻ em bất hạnh hòa nhập cộng đồng, giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội.
Bài và ảnh: VĂN CHUNG