Ông NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Đổi mới cần phải biết kế thừa, phát huy thành tựu của thế hệ trước
Tôi thấy rằng, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) luôn xung kích trên mọi mặt trận, lĩnh vực với nhiều suy nghĩ, cách làm mới, sáng tạo, có tính đột phá đã mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, xã hội và đáp ứng hiệu quả nhiệm vụ đề ra. Trên mặt trận phát triển kinh tế, các cơ sở đoàn đã tích cực phối hợp tổ chức tọa đàm, tập huấn khởi nghiệp cho ĐVTN có nhu cầu khởi nghiệp; giúp nhau tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, nguồn giống trong sản xuất nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh, mở rộng thị trường… Qua đó, giúp ĐVTN làm giàu và tạo nhiều việc làm cho người dân. Ở lĩnh vực quốc phòng, Báo Quân đội nhân dân vừa giới thiệu 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2019, tôi thấy bạn nào cũng rất giỏi trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, quản lý bộ đội, làm chủ vũ khí, trang bị…
Tuy nhiên, có một vấn đề mà ĐTVN thường vấp phải khi cho rằng, sáng tạo, đổi mới là phải thay đổi, phá bỏ hết những cái cũ. Tôi cho rằng, quan điểm này là hoàn toàn sai lầm. Muốn đổi mới thì phải biết kế thừa, phát huy truyền thống, kết quả của thế hệ đi trước đã dày công tạo dựng. Nếu đổi mới, sáng tạo mà không kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống đó thì sẽ dẫn đến sự chệch hướng, giống như cắt đứt truyền thống của cha ông, xây nhà mà không có móng.
ĐỨC THỊNH (ghi)
 |
Đoàn viên, thanh niên Tiểu đoàn 511, Trung đoàn 892, Bộ CHQS tỉnh An Giang giúp người dân xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú gặt lúa. Ảnh: ĐỨC QUANG.
|
Ông LÊ NHƯ TIẾN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Khai phá tiềm năng của đoàn viên, thanh niên bằng nhiều chính sách
Cùng với sự năng động, sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết, khát khao thì ĐVTN còn có thế mạnh là dễ dàng tiếp thu, làm chủ các công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Trong giai đoạn bùng nổ về công nghệ và thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta rất cần sự tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ của ĐVTN. Họ sẽ là đầu tàu trong ứng dụng, đưa công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào mọi mặt đời sống.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên lập công, lập nghiệp, sáng tạo, rèn luyện và thử thách trong nhiều môi trường, vị trí, lĩnh vực. Kết quả là chúng ta có được nhiều nhà khoa học trẻ trong mọi lĩnh vực của đời sống… và giữ vị trí chủ chốt ở nhiều ngành, địa phương. Để khai phá hết phẩm chất của ĐVTN, chúng ta cần tiếp tục tin tưởng giao trọng trách, xây dựng và tạo thêm những cơ chế chính sách mới cho họ, như: Thử thách họ trong những môi trường mà họ có thế mạnh, dễ phát huy; tạo điều kiện về vốn, ngân sách; thường xuyên khuyến khích, động viên, giúp đỡ về kinh nghiệm; không vội vàng chỉ trích, đánh mất niềm tin khi họ thất bại trong thử nghiệm những cách làm mới…
VĂN THI (ghi)
--------------------
Anh PHẠM TRUNG THÀNH, Bí thư Huyện đoàn Nghi Xuân (Hà Tĩnh):
Có vốn, nhiều mô hình, ý tưởng đã phát huy tốt
Những năm qua, chúng tôi phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghi Xuân đẩy mạnh chương trình cho thanh niên vay vốn học nghề, phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động. Với những mô hình kinh tế đi vào hoạt động, chúng tôi đồng hành bằng cách giúp họ giới thiệu sản phẩm, tổ chức kết nối với thị trường, như: Hội chợ, hội trại, triễn lãm trưng bày, mạng xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp có mối quan hệ kết nghĩa... Đến nay, toàn huyện có hơn 20 mô hình kinh tế thanh niên tiêu biểu. Những mô hình kinh tế này không chỉ giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho các thanh niên trên địa bàn, góp sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ưu đãi về vốn để ĐVTN trong huyện thực hiện ước mơ, ý tưởng của mình.
HOA LÊ (ghi)
----------------------
Anh NGUYỄN MINH THÀNH, phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh:
Hạnh phúc với những “Bữa cơm đoàn viên”
Đầu năm 2019, trong lúc làm công tác thiện nguyện tại Bệnh viện Đa khoa quận Phú Nhuận, tôi thấy nhiều người nhà bệnh nhân ăn uống kham khổ nên đề xuất với tổ chức các cấp phát động chương trình “Bữa cơm đoàn viên”. Người thụ hưởng là bệnh nhân nghèo tại bệnh viện và các hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường 8. Những ngày đầu đi vận động, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thấy vậy, các đồng chí lãnh đạo phường 8 đã giới thiệu tôi với chủ nhà hàng Hồ Nam ở 191 Hoàng Văn Thụ, phường 8 để trình bày ý nghĩa của chương trình. Sau đó, nhà hàng đã tài trợ nguyên liệu và cho chúng tôi mượn bếp để nấu. Đến nay, chương trình thu hút được rất nhiều sự tham gia của mọi người từ việc quyên góp ủng hộ vật chất, ngày công nên bất kể nắng hay mưa, 100 suất cơm nóng, đầy đủ rau, thịt, cá… đã đến với những mảnh đời còn khó khăn. Đoàn Thanh niên phường 8 còn kêu gọi ĐVTN thu gom chất thải rắn, ve chai, sách báo cũ… vừa để bảo vệ môi trường, vừa có thêm kinh phí. Tôi cho rằng, để các hoạt động, phong trào do ĐVTN phát động có ý nghĩa, tồn tại lâu dài thì trước hết chương trình đó phải mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.
HÙNG KHOA (ghi)
---------------------
Đại úy TỐNG NGỌC NGOAN, Phó đại đội trưởng, Đại đội 1, Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 330, Quân khu 9:
Ở đâu cũng có thể sáng tạo, cống hiến
Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2, tôi về công tác tại Sư đoàn 330. Nhiều lần tham gia huấn luyện, diễn tập, tôi nhận thấy việc chuẩn bị mục tiêu cho bài 3a với bóng neo cố định rất mất thời gian, công sức của bộ đội và có một số điểm yếu, như: Mục tiêu không bảo đảm cự ly, vị trí khi bị gió thổi; thường xuyên phải đổi hoặc thả lại mục tiêu, tính chất nguy hiểm vì khu vực thả mục tiêu nằm dưới tầm đạn bay của các loại hỏa lực khác, hiệp đồng không tốt rất dễ mất an toàn...
Xuất phát từ thực tế trên, tôi đã nghiên cứu và thiết kế, chế tạo thiết bị “Thả bóng neo điều khiển từ xa”, có thể điều khiển được 3 mục tiêu ở cự ly 700m, giúp tiết kiệm công sức bộ đội, thời gian, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong bắn đạn thật và diễn tập tại đơn vị. Ngoài ra, tôi còn thiết kế “Khóa nhanh bộ phận ngắm sau” giúp thống nhất điểm ngắm K43 bắn các loại mục tiêu trên không nhanh hơn, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị. Tôi cho rằng, ở môi trường nào thì cũng đòi hỏi mọi người phải có sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Quan trọng là những sáng tạo đó phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đề ra, mang lại lợi ích, hiệu quả công việc.
QUANG ĐỨC (ghi)