Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc-Nam trị giá 7.000 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Các công việc chính của dự án là thực hiện cải tạo, nâng cấp các cầu yếu, gia cố trụ chống va xô; gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới một số ga; cải tạo nâng cấp hơn 200km đường sắt; bảo đảm hành lang ATGT và một số công trình thiết yếu khác.

Theo kế hoạch, dự án thực hiện xong trong năm 2021. Hiện nay, phần lớn công trình, hạng mục quan trọng của dự án đã được hoàn thành. Tuy nhiên, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng ở một số địa phương, ảnh hưởng của thiên tai ở khu vực miền Trung và dịch Covid-19 nên nhiều gói thầu bị chậm tiến độ.

Bảo đảm an toàn chạy tàu tại ga Hà Nội. Ảnh: HUY HÙNG 

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải), với những gói thầu còn lại, dự kiến đến tháng 4-2022, địa phương mới bàn giao mặt bằng, trong đó có hạng mục mở mới ga. Bên cạnh đó, còn phải thực hiện một số thủ tục về thi công hầm yếu.

Dự kiến, trong năm 2022, đoạn Hà Nội-Vinh (Nghệ An) sẽ hoàn thành thi công xây lắp, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng 6 gói thầu còn lại theo đúng tiến độ điều chỉnh đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Đoạn Nha Trang (Khánh Hòa)-TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành toàn bộ các gói thầu trong tháng 8-2022.

Đối với việc nâng cấp các cầu yếu trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, dự kiến, hoàn thành vào tháng 7-2022. Khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần tăng tốc độ chạy tàu, bảo đảm tốt hơn ATGT và đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến đường sắt từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, tăng năng lực thông qua của đường sắt Bắc-Nam từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm.

Bảo đảm ATGT luôn được xác định là công việc quan trọng hàng đầu của ngành đường sắt. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2021, tai nạn giao thông đường sắt giảm mạnh cả 3 tiêu chí. Trong năm, đã xảy ra 143 vụ tai nạn giao thông đường sắt, giảm 30 vụ (tương đương giảm 17,3%); làm chết 72 người, giảm 11 người (13,3%); bị thương 72 người, giảm 25 người (25,8%) so với năm 2020.

Với phương châm “chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó”, năm 2022, ngành đường sắt tiếp tục duy trì công tác thường trực, bảo trì phương tiện, thiết bị cứu hộ, khả năng cơ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra. Nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, giảm tối đa thiệt hại.

Cùng với đó, tăng cường chủ động hơn nữa đối với các đơn vị liên quan và các địa phương, có những giải pháp để bảo đảm phương tiện lưu thông an toàn tại các vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành lang ATGT đường sắt.

MẠNH HƯNG