Thế kỷ 20, thế giới đã chứng kiến một cuộc cách mạng về tuổi thọ. Kể từ năm 1950, tuổi thọ bình quân trên thế giới đã tăng thêm 20 năm, lên 66 tuổi và đến năm 2050 có thể sẽ tăng thêm 10 năm tuổi, lên 76 tuổi. Cùng với sự tăng trưởng dân số nhanh trong nửa đầu thế kỷ 21, dân số thế giới có tuổi thọ trên 60 tuổi sẽ tăng từ 600 triệu người năm 2000 lên gần 2  tỷ người vào năm 2050. Tỷ lệ NCT sẽ tăng từ 10% năm 1998 lên 15% năm 2025, 21% năm 2050. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cũng ngày càng tăng; trước năm 1945 là 32 tuổi, năm 2015 là 73,2 tuổi. Năm 2016, tại phiên họp toàn thể lần thứ 69, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua Chương trình hành động quốc tế về sức khỏe của NCT và ban hành nghị quyết có liên quan, trong đó, Tổng giám đốc WHO kêu gọi tiến hành một chiến dịch toàn cầu về chống phân biệt tuổi tác để hỗ trợ các quốc gia, khu vực và quốc tế trong nỗ lực thay đổi chính sách. Mặc dù vị trí, vai trò và ảnh hưởng của NCT đối với thế giới ngày càng được khẳng định, song việc phân biệt đối xử và chăm sóc NCT vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề và ảnh hưởng đến tất cả các mặt thể chất, tinh thần của NCT. Các vấn đề phải kể đến đó là NCT phải đối mặt với những khó khăn như bị cô lập trong xã hội, bị ảnh hưởng bởi sự xói mòn trong mối quan hệ giữa các thế hệ trong một gia đình, một cộng đồng, trong đó định kiến về tuổi tác là một vấn đề nan giải.

leftcenterrightdel

Người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích cho xã hội. Ảnh: THANH HÀ. 

Bà Ngô Thị Mến, Phó chánh Văn phòng Trung ương Hội NCT Việt Nam, cho biết, vấn đề phân biệt tuổi tác là biểu hiện đang diễn ra hằng ngày và ở khắp mọi nơi, đang là nỗi buồn của NCT. Bên cạnh việc không còn việc làm, các dịch vụ xã hội hạn chế và cách tuyên truyền rập khuôn về NCT của các phương tiện truyền thông, sự phân biệt tuổi tác đang khiến NCT bị "đào thải" ra khỏi cộng đồng, mà ở thời điểm họ rất cần được sự quan tâm. Phân biệt tuổi tác diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng điều trớ trêu là lại được coi là điều hoàn toàn bình thường trong xã hội. Nó bắt đầu khi các phương tiện truyền thông luôn mặc định miêu tả NCT với hình ảnh "già nua, lụ khụ" và dáng vẻ "run rẩy, lập cập" trên truyền hình. Nó xảy ra khi các bác sĩ thăm khám một cách "đại khái" hơn đối với tình trạng bệnh tật của NCT. Nó biểu hiện khi các nhà hoạch định chính sách, hoặc vô tình hay cố ý phản đối các danh mục ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các trung tâm dành cho NCT. Những thái độ phổ biến này vô hình trung đưa NCT đến bên lề của cộng đồng và điều này tác động tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của họ. Điều đáng quan tâm là NCT sống ở nơi có sự phân biệt tuổi tác nặng nề thường chết sớm hơn. 

Chính vì những lý do trên, với chủ đề "đấu tranh chống phân biệt tuổi tác", Liên hợp quốc đặt ra trách nhiệm cho mọi người trên thế giới ý thức được thế nào là phân biệt tuổi tác và tác động tiêu cực nghiêm trọng của nó gây ra đối với NCT.

Về vấn đề chăm sóc NCT tại Việt Nam, ông Đàm Hữu Đắc, Phó chủ tịch Hội NCT Việt Nam, cho biết, thực hiện những cam kết của mình với cộng đồng quốc tế, 11 năm qua, từ khi thành lập Hội NCT Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với NCT; khẳng định việc chăm sóc NCT là một chính sách rất quan trọng của Đảng, Nhà nước. Có thể nói, hệ thống chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách đối với NCT ở nước ta hiện nay là khá đầy đủ. Từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã 3 lần giảm độ tuổi hưởng chính sách bảo trợ xã hội từ 90 tuổi xuống 80 tuổi, đồng thời nâng mức trợ cấp từ 60.000 đồng/người/tháng lên 270.000 đồng/người/tháng. Có thể nói, trong 5 triệu NCT Việt Nam đang ở độ tuổi từ 60-65, 70-75 thì có hàng triệu người còn sức khỏe, nhiệt huyết, trách nhiệm với công tác xã hội. Có những người đã nắm giữ chức vụ chủ chốt các ngành, có trình độ, kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện các chương trình dự án trong nước và quốc tế. Những người như vậy cũng sẽ có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, trong nghiên cứu, xây dựng, giám sát, phản biện các chính sách về phát triển kinh tế-xã hội. Đây thực sự là những tiềm năng, thế mạnh của NCT nếu được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để họ có cơ hội tiếp tục đóng góp cho quê hương, đất nước.

NCT Việt Nam không chỉ có công sinh thành, nuôi dạy các thế hệ con cháu mà còn có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ngày nay, NCT vẫn tiếp tục mang trí tuệ, công sức, kinh nghiệm của mình đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

HÀ VŨ