 |
Bà Nguyễn Thanh Nhàn. |
Phóng viên (PV): Thưa bà, tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn trên địa bàn Thủ đô thời gian qua như thế nào?
Bà Nguyễn Thanh Nhàn: Những năm qua, TP Hà Nội đã chủ động, tích cực thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho lao động khu vực nông thôn được thụ hưởng chính sách công bằng trong giáo dục, đào tạo, được học nghề. Theo đó, giai đoạn 2010-2018, TP Hà Nội đã tổ chức đào tạo nghề cho 193.423 người (nghề nông nghiệp là 97.732 người; nghề phi nông nghiệp là 95.691 người), tỷ lệ có việc làm của người lao động sau học nghề đạt hơn 80%. Quá trình triển khai, nhiều lao động nông thôn, hộ nông dân bị thu hồi đất sản xuất đã được tiếp cận với kiến thức mới, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự hành nghề. Đồng thời, có cơ hội được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tuyển dụng giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
 |
Lớp đào tạo nghề về trồng rau an toàn được tổ chức tại UBND xã Minh Tân (Phú Xuyên, Hà Nội). |
PV: Thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn hiện nay chưa thu hút được sự tham gia của đông đảo người lao động. Vậy khó khăn ở đây là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thanh Nhàn: Có thể thấy nhận thức về hoạt động đào tạo nghề của một bộ phận không nhỏ người lao động (NLĐ) nông thôn chưa cao, chưa hiểu đúng về chính sách. NLĐ chưa thấy được sự cần thiết về lợi ích nên không định hướng được nghề thật sự cần học. Theo đó, việc đăng ký học nghề của lao động nông thôn còn cảm tính, chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng đi học theo phong trào, chưa chuyên cần, chưa tuân thủ tốt kỷ luật lớp học nên chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề của lao động chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Trong khi đó, NLĐ nông thôn chủ yếu là lao động chính của gia đình, phải kiếm sống hằng ngày gây ảnh hưởng đến việc tham gia học nghề. Do đó, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã tích cực phối hợp với các đoàn, hội địa phương, như: Hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên… tham gia vận động, tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ chi phí học nghề, hỗ trợ vay vốn và giải quyết việc làm tới NLĐ. Đồng thời, tham gia tư vấn, hỗ trợ cho lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề, tham gia học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề.
PV: Để công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn đạt hiệu quả cao, thành phố đã đưa ra những cơ chế, chính sách gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thanh Nhàn: Nếu như trước đây công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố chú trọng nhiều về số lượng, thì bắt đầu từ đầu giai đoạn 2017-2020, TP Hà Nội đã hướng tới việc lấy tiêu chí chất lượng làm đầu. Thành phố xác định mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với đào tạo tại doanh nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển sản xuất vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới… Thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương không tổ chức đào tạo khi chưa xác định đầu ra cho NLĐ. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề vì các doanh nghiệp này sẽ trực tiếp tuyển dụng lực lượng lao động nông thôn qua học nghề trên địa bàn hoặc bao tiêu sản phẩm (công nghiệp, nông nghiệp) lâu dài. Về phía các doanh nghiệp khi tham gia đào tạo cũng được hưởng các chính sách ưu đãi liên quan, như miễn thuế cho thu nhập từ hoạt động đào tạo. Đến nay, đã có khoảng 145 doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, để chuẩn hóa quá trình đào tạo, giai đoạn 2017-2020, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, các địa phương và các trường dạy nghề đưa ra 33 bộ chương trình chuẩn cho 33 danh mục nghề nghiệp đào tạo lao động khu vực nông thôn (17 nghề phi nông nghiệp, 16 nghề nông nghiệp). Đây là cơ sở để các địa phương rà soát chương trình giảng dạy của các đơn vị tham gia đào tạo có phù hợp với bộ chương trình chuẩn của thành phố hay không. Các cấp, ngành chức năng liên quan sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, kiểm tra đột xuất, không để những cơ sở đào tạo không đủ điều kiện tham gia hoạt động đào tạo.
Cùng với đó, thành phố cũng tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của NLĐ khu vực nông thôn, bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch phát triển xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí việc làm của thị trường và trong doanh nghiệp.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
NGUYỄN VŨ (thực hiện)