Phóng viên (PV): Thưa bà, Australia đã triển khai thế nào để tăng cường hoạt động hợp tác liên quan đến cung cấp phúc lợi, giáo dục để triển khai biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực giới đồng bộ?

Bà Micaela Cronin: Có rất nhiều biện pháp để thực hiện tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành. Ở cấp cao nhất của chúng tôi Thủ tướng ban hành mục tiêu phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực tình dục và đây cũng là một trong những vấn đề được quan tâm nhất. Người phụ trách vấn đề an toàn cho phụ nữ sẽ phải có báo cáo thường xuyên cho Chính phủ về nội dung này. Từ đó chúng tôi sẽ có những cơ chế để phối hợp giữa các bộ, trong Chính phủ của Australia, các thành phần liên quan để thực hiện công tác phối hợp liên ngành. Ngoài ra, là đơn vị tuyến đầu, chúng tôi đã kết nối các đầu mối cung cấp dịch vụ từ nhân viên công tác xã hội, cán bộ bảo vệ trẻ em, công an, giáo dục, họ có thể phối hợp theo hai cách: Cùng một trụ sở để có thể phối hợp với nhau hoặc lập một đoàn công tác phối hợp thực hiện để đi thực địa và triển khai các công tác truyền thông hay phòng, chống can thiệp.

Bà Micaela Cronin chia sẻ kinh nghiệm của Australia về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Ảnh: UNFPA cung cấp 

PV: Bà đã từng chia sẻ về tầm quan trọng để tăng cường tiếng nói của những người đã từng bị bạo lực trong quá trình lập chính sách, việc này được triển khai tại Australia như thế nào, thưa bà?

Bà Micaela Cronin: Với cương vị là Chủ nhiệm Ủy ban về phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực tình dục, tôi là người có trách nhiệm trực tiếp trong việc lắng nghe tiếng nói của những người đã từng bị bạo lực. Như bạn đã biết, số người bị bạo hành nhưng không được báo cáo là con số rất cao nên vấn đề này được chúng tôi ưu tiên xử lý.

Người bị bạo hành không tố cáo do họ cảm thấy không an toàn hoặc họ không có được những dịch vụ hỗ trợ cần thiết. Vậy khi chúng ta cùng lắng nghe và hỗ trợ người bị bạo lực thì sẽ lấy được niềm tin của họ, khi đó, số người báo cáo về bạo lực sẽ cao hơn. Quan trọng hơn, khi người bị bạo lực đã lên tiếng thì chúng ta phải có những dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của họ. Về vấn đề này, Australia đã triển khai ở mọi cấp. Ở cấp cao chúng tôi có Hội đồng chuyên gia tư vấn quốc gia, trong đó có nhiều người đã từng bị bạo hành cũng là thành viên của Hội đồng. Ở cấp cơ sở, chúng tôi có những cơ chế để làm thế nào tiếp cận được những người đã từng bị bạo hành. Vừa là để lấy ý kiến của họ trong quá trình thiết kế chính sách và cũng để lấy phản hồi của họ xem chính sách có thực sự hiệu quả hay không.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh tại Yên Bái. Ảnh: UNFPA cung cấp 

PV: Tại hội nghị bàn tròn về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, bà cũng đã nghe những trao đổi, chia sẻ từ phía lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan tham gia thực hiện “Dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”. Bà đánh giá về triển vọng của dự án này như thế nào?

Bà Micaela Cronin: Khi đến Việt Nam, đặc biệt là khi được chứng kiến cam kết mạnh mẽ của các cán bộ cấp cao của Việt Nam trong việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tôi rất ấn tượng với những cơ chế phối hợp liên ngành tại Việt Nam. Rõ ràng cho thấy, Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để tạo ra sự thay đổi nhằm triển khai những chính sách tốt hơn và sẽ thực hiện dự án một cách tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế triển khai sẽ có nhiều khó khăn mà dự án phải đối mặt vì thế chúng ta cần tiếp tục thường xuyên tiến hành đánh giá, đo lường hiệu quả.

PV: Thưa bà, bà đã chia sẻ kinh nghiệm của Australia về phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, nhưng sự khác biệt giữa các nền văn hóa có phải là một trở ngại cho việc thực hiện những kinh nghiệm này?

Bà Micaela Cronin: Đúng là sự khác biệt của văn hóa luôn có tác động khác nhau, nó không chỉ khác biệt giữa các nước mà trong một nước cũng có sự khác biệt văn hóa. Vì thế nguyên tắc làm việc của chúng tôi là khi làm việc với ai thì chúng tôi phải trao đổi cặn kẽ xem nên sử dụng cách tiếp cận như thế nào, can thiệp ra sao để phù hợp và đáp ứng nhu cầu của họ. Nói cách khác, nguyên tắc cơ bản là khi triển khai can thiệp thì cần phải nghiên cứu rõ ràng về văn hóa bản địa. Do chính sách có thể phù hợp với miền này nhưng chưa chắc phù hợp với vùng miền khác nên cần tham vấn cộng đồng địa phương để biết rằng việc triển khai biện pháp như thế nào là phù hợp với bối cảnh văn hóa của họ.

PV: Trân trọng cảm ơn bà.

DIỆP CHÂU (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.