Đây là hoạt động nằm trong Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và 16 ngày hành động chống lại bạo lực trên cơ sở giới toàn cầu. Hội nghị đã thu hút được nhiều chuyên gia tham dự và cùng thảo luận về các chiến lược xóa bỏ bạo lực, tạo ra môi trường an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
 |
Các đại biểu tham gia hội nghị bàn tròn về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam.
|
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một thách thức đáng kể ở Việt Nam. Theo khảo sát năm 2020 về các chỉ số Mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ, 72% trẻ em Việt Nam từ 1 đến 14 tuổi bị các thành viên trong gia đình kỷ luật bằng bạo lực. Và trong số hơn 2.000 trường hợp lạm dụng trẻ em được báo cáo chính thức hàng năm, trong đó 75% liên quan đến lạm dụng tình dục. Để ứng phó, Chính phủ Việt Nam và Australia đã hợp tác với UNFPA, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) để thực hiện dự án chung “Dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”.
 |
Các đại biểu cam kết cùng tham gia chống bạo lực phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam. |
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trao quyền cho phụ nữ, đầu tư cho bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để có thể mang lại lợi ích lớn lao không chỉ đối với bản thân phụ nữ mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững. Hội nghị bàn tròn nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết bạo lực thông qua hợp tác đa ngành, các chính sách dựa trên bằng chứng và các dịch vụ lấy người bị bạo lực làm trung tâm.
Trong bài phát biểu, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải giải quyết vấn đề bạo lực như một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Bà Tamesis cũng đã đưa ra các lĩnh vực hành động chính, bao gồm tích hợp các dịch vụ trên khắp các lĩnh vực, xây dựng lòng tin trong cộng đồng, tăng cường hệ thống dữ liệu, nỗ lực giải quyết và hỗ trợ nhu cầu của thanh thiếu niên, lắng nghe tiếng nói của những người bị bạo lực, thu hút nam giới và trẻ em trai tham gia thay đổi các chuẩn mực có hại và tăng cường năng lực của lực lượng lao động.
Ông Matt Jackson, đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh cam kết của các cơ quan Liên hợp quốc trong việc giải quyết bạo lực thông qua các phương pháp tiếp cận mang tính chuyển đổi và lấy người bị bạo lực làm trung tâm: "Đã có những tiến triển nhất định, nhưng hành trình này vẫn chưa kết thúc. Trọng tâm chung để chấm dứt bạo lực là phòng ngừa, đảm bảo tiếp cận các dịch vụ và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai an toàn hơn, công bằng hơn cho tất cả phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam".
Tin, ảnh: HÀ VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.