Thời gian đầu mới vào công ty làm việc, bằng khả năng của mình, cùng đức tính cần cù, chịu khó, Tài nhanh chóng chiếm được cảm tình của lãnh đạo các cấp và đồng nghiệp. Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ở những phần việc được giao đúng sở trường, Tài hoàn thành với chất lượng khá tốt. Vì vậy, Tài luôn được Ban giám đốc công ty đánh giá cao. Từ những kết quả bước đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Tài được lãnh đạo công ty mạnh dạn giao cho những phần việc quan trọng và phức tạp hơn.
Thời gian đầu, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, chất lượng công việc chưa thật nổi bật nhưng nhìn chung Tài vẫn giữ được “phong độ” của mình. Vì vậy, anh được lãnh đạo công ty và đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, với quan điểm “bó đũa chọn cột cờ” của lãnh đạo công ty, nên cho dù vẫn còn mặt này, mặt khác trong thực hiện nhiệm vụ, cũng như tác phong sinh hoạt nhưng Tài vẫn được ưu ái và trở thành một trong những nhân tố điển hình, liên tục được các cấp khen thưởng.
Tuy nhiên, sau những thành công ban đầu đó, lẽ ra Nguyễn Văn Tài phải nỗ lực hơn, khiêm tốn hơn cả trong công việc và cuộc sống, nhưng anh lại bắt đầu có tư tưởng thể hiện rất rõ “bệnh ngôi sao”. Từ sự tin tưởng của cấp trên, cùng những kết quả đạt được nhất định trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Tài bắt đầu cho rằng mọi chuyện ở công ty, nếu không có anh thì chẳng ai đủ khả năng làm được. Vì thế, Tài luôn thể hiện mình là người hiểu biết nhất và tỏ rõ thái độ coi thường đồng nghiệp, kể cả những đồng nghiệp có tuổi đời, tuổi nghề nhiều hơn. Nguy hiểm hơn, để lấy lòng những người trong công ty, Tài thường tìm cách chia rẽ sự đoàn kết, bằng việc lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của đồng nghiệp; hoặc những xích mích vụn vặt trong cuộc sống để công kích người nọ, to nhỏ với người kia, tạo ra sự nghi ngờ, đố kỵ, rồi sau đó đứng ra "dàn xếp".
Ban đầu, với vẻ bề ngoài phóng khoáng, thể hiện sự ga lăng nên nhiều đồng nghiệp rất tin vào những điều Tài nói. Tuy nhiên, sự thật luôn là chân lý, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, tất cả những điều Tài nói đều đi ngược với những việc Tài làm. Nguy hiểm hơn, khi đã có được chút ít thành công trong chuyên môn, Tài luôn tìm cách gièm pha người này, nói xấu người khác trong bộ phận của mình trước cấp trên. Bằng “cách làm” đó, Tài hy vọng mình sẽ trở thành nhân tố quan trọng để được cấp trên xem xét, cất nhắc, bổ nhiệm. Không ít lần Tài thể hiện rất rõ tham vọng của mình với những phát ngôn mà dù chỉ cần nghe một lần cũng làm không ít người thấy sợ.
Thời gian trôi đi, bản chất của Tài cũng dần bộc lộ. Từ một người được đồng nghiệp yêu quý, nể trọng, dần dà Tài trở nên cô độc, lạc lõng. Nhiều người trong công ty, nhất là những đồng nghiệp cùng bộ phận không còn cởi mở và thân mật với Tài như trước, mà mọi chuyện đều được suy xét, tính toán. Nói chuyện với Tài, họ trở nên “cảnh giác” và rất dè dặt.
Thời buổi nào cũng vậy, con người cần có ý chí phấn đấu vươn lên, nhất là những người được học hành, đào tạo cơ bản để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước. Tuy nhiên, nếu ai đó động cơ phấn đấu không trong sáng, thiếu lương tâm, thì sớm hay muộn cũng đều phải trả giá. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Như vậy, “khó” nhưng nếu cố gắng, nhất là có sự giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp chắc chắn sẽ làm được; còn người vô dụng thì chỉ trở thành gánh nặng cho xã hội mà thôi...
LÊ LONG KHÁNH