Bắc Giang bứt phá, các trung tâm kinh tế lớn tụt hạng

Khảo sát PCI 2022 đã nhận được phản hồi của gần 12.000 DN. Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, điểm tích cực ghi nhận được từ kết quả PCI 2022 đó là chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Điểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tiếp tục tăng năm thứ 6 liên tiếp. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến tích cực khi giúp các DN tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật. Tình trạng trả chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm. Khảo sát PCI 2022 cho thấy khoảng 42,6% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức, giảm khoảng 23 điểm phần trăm so với kết quả trong khảo sát PCI 2016.

PCI 2022, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí Quán quân trong bảng xếp hạng PCI năm thứ 6 liên tiếp với 72,95/100 điểm. Kết quả này tới từ nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và nỗ lực cải cách hành chính. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Bắc Giang đoạt ngôi á quân, khi cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021. Bắc Giang ghi điểm với DN nhờ kịp thời lắng nghe, giải quyết cụ thể khó khăn, vướng mắc cho DN. Góp mặt ở các vị trí còn lại trong top 10 là Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Long An.

leftcenterrightdel
 Quảng Ninh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để thu hút nhà đầu tư. Trong ảnh: Một góc thành phố Hạ Long nhìn từ trên cao. Ảnh: VÂN NAM

Trong khi đó, các trung tâm kinh tế lớn đều có tình trạng giảm điểm. Trong PCI 2022, Hà Nội đứng thứ 20, TP Hồ Chí Minh đứng thứ 27. Trước đó, tại PCI 2021, Hà Nội đứng thứ 10 và TP Hồ Chí Minh ở vị trí 14.

Doanh nghiệp lo ngại thủ tục thuế, phí, giải phóng mặt bằng

Kết quả khảo sát PCI 2022 cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà DN đã và đang gặp phải, trong đó, tiếp cận tín dụng được cho là vấn đề hàng đầu; cùng với đó là tình trạng phiền hà của một số lĩnh vực chủ chốt. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Giám đốc Dự án PCI, VCCI cho biết, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% DN, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019; 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021. Nguyên nhân khiến DN không thể vay vốn là khó đáp ứng điều kiện cho vay khắt khe; không có tài sản thế chấp; sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục tiếp cận các khoản vay, các gói hỗ trợ; các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho DN tư nhân.

Phản ánh của cộng đồng DN cũng cho thấy, các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất vẫn là thuế, phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy, chữa cháy và xây dựng. Đặc biệt, chất lượng thực thi chính sách ở cấp sở, ngành và cấp huyện chưa như kỳ vọng. Nếu như năm 2021, khoảng 31,9% doanh nghiệp đánh giá "các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố" thì năm 2022 chỉ số này tăng lên mức 45,2%. Tương tự, 50,4% DN cho rằng “chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, cao hơn đáng kể so với kết quả 36% trong khảo sát năm 2021. Bên cạnh đó, như từng được chỉ ra trong các báo cáo PCI trước đây, tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều DN và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.

Chất lượng cải cách phụ thuộc vào tư duy, quyết tâm của lãnh đạo

Nhìn vào bảng xếp hạng PCI, các ý kiến cũng chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất trong triển khai thực hiện cải thiện chỉ số PCI chính là thay đổi tư duy, cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ, công chức. Và để tạo ra được điều này, theo ông Đậu Anh Tuấn, vấn đề cốt lõi chính là tư duy, quyết tâm, tinh thần năng động, cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo chính quyền địa phương.

Chia sẻ từ thành quả của Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, chỉ số PCI được công bố là những “con số biết nói”, hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của DN; cùng với đó là nỗ lực được Quảng Ninh thúc đẩy bởi công tác hoàn thiện thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người. “Quảng Ninh xác định cải cách chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, tỉnh đã thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả để kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, nhất là nhũng nhiễu DN, gây phiền hà cho người dân”, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Cũng nỗ lực cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh là thực tế tại tỉnh Đắk Nông. Tuy không thuộc top 30 địa phương có điểm số PCI 2022 cao nhất nhưng được các DN trong tỉnh đánh giá tích cực nhất về khía cạnh tạo thuận lợi cho DN khởi sự kinh doanh. Tại PCI 2020, Đắk Nông ở vị trí 60 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng tại PCI 2022, Đắk Nông đã vươn lên vị trí thứ 38, cải thiện 22 bậc trên bảng xếp hạng. Trao đổi bên lề buổi công bố PCI 2022, ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông cho biết, xác định cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những giải pháp trọng yếu để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội địa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động để thực hiện các giải pháp đó. Tỉnh Đắk Nông đã tập trung đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của tỉnh.

VŨ DUNG