Theo bác sĩ Đỗ Trọng, Giám đốc Cơ sở CNMT số 5 Hà Nội, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg phê duyệt đề án đổi mới công tác CNMT ở Việt Nam đến năm 2020, đơn vị đã xây dựng một đề án với nội dung chính là: “Chuyển đổi mô hình từ cai nghiện bắt buộc sang cai nghiện tự nguyện; xây dựng mô hình cai nghiện cởi mở, thân thiện”. Theo đó, cơ sở tập trung thay đổi về quan điểm, nhận thức: Coi người nghiện từ đối tượng quản lý sang đối tượng phục vụ; thay đổi phương thức quản lý để học viên được thoải mái về tâm lý và thực hiện nội quy, quy chế với tinh thần tự nguyện; điều chỉnh linh hoạt thời gian cai nghiện và tăng cường các hoạt động văn hóa, thể thao, lao động tạo không khí cởi mở đối với học viên… Từ tháng 1-2015 đến nay, cơ sở đã tiếp nhận gần 3.000 học viên đăng ký CNMT tự nguyện. Đa số học viên sau khi vào cơ sở đều chấp hành tốt nội quy, tham gia tích cực các hoạt động của cơ sở.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 Hà Nội tham gia lao động trị liệu tại xưởng gia công đồ điện dân dụng. Ảnh: Hoàng Lan.

Đánh giá về tác động của mô hình cai nghiện tự nguyện (CNTN) tập trung tại các cơ sở công lập, bác sĩ Đỗ Trọng khẳng định: Khi mô hình này hoạt động tích cực thì sẽ hạn chế tối đa, tiến tới chấm dứt hiện tượng học viên sử dụng ma túy trong thời gian cai nghiện; giảm được kinh phí của Nhà nước trong lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc và kinh phí cho các hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cộng đồng… Đặc biệt, mô hình CNTN tạo sự thoải mái về tâm lý, thể chất và tinh thần cho học viên; được chăm sóc chu đáo như đi chữa bệnh, giúp người cai nghiện quyết tâm hơn để từ bỏ ma túy thành công.

Học viên Nguyễn Phi Nam (38 tuổi, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) đang CNTN tại Cơ sở CNMT số 5 cho biết: “Đã từng phải đi cai nghiện bắt buộc nên khi Nhà nước có chính sách mới với mô hình CNTN này, tôi thấy rất tốt, vì nó mang lại nhiều thay đổi. Không chỉ tôi mà anh em học viên ở đây đều cảm thấy thoải mái khi được cán bộ, nhân viên tại cơ sở quan tâm, chăm sóc, đối xử như người có bệnh đi chữa trị. Qua các hoạt động thể thao, duy trì sức khỏe, lao động hay vật lý trị liệu đúng giờ, khoa học và điều độ giúp chúng tôi ổn định tinh thần, nâng cao nghị lực, từ đó yên tâm cai nghiện để về hòa nhập với xã hội, cộng đồng”.

Như vậy cho đến nay, chúng ta đang duy trì 3 hình thức cai nghiện ma túy, gồm: CNTN tập trung, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng và CNTN tại gia đình. Báo cáo mới đây của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đánh giá, biện pháp CNTN tại gia đình, tại cộng đồng chỉ hiệu quả đối với người thật sự có quyết tâm, được gia đình quan tâm; có sự hướng dẫn của cơ quan chức năng để quản lý tốt đối tượng và chính quyền phải hỗ trợ kịp thời, thực chất. Đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ xã hội hỗ trợ cộng đồng phải có trình độ chuyên nghiệp, vì trong giai đoạn điều trị, nếu người nghiện không cách ly hoàn toàn được với môi trường có ma túy, họ có thể sử dụng lại và dẫn đến tái nghiện. Còn biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng thể hiện khá rõ tính cưỡng bức, cơ bản áp dụng với các trường hợp ý thức tuân thủ chưa tốt và chưa có quyết tâm cai nghiện. Tuy nhiên, ở các đối tượng này, sau khi tập trung cai nghiện và cắt cơn được ít ngày, họ được đưa trở lại xã hội nên khả năng tái nghiện là rất lớn. Thực tế, sau gần 8 năm thực hiện biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, đến nay kết quả đạt được khá khiêm tốn, chưa hoàn thành mục tiêu của chương trình.

Theo ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc Cơ sở CNMT số 3 Hà Nội: Hiện nay, tại các cơ sở CNTN công lập, người nghiện được cách ly với môi trường có ma túy, được cung cấp các dịch vụ cai nghiện, phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; các quy định về chế độ cho người cai nghiện tại đây cơ bản hợp lý, khả thi. Tuy nhiên, trong các hình thức cai nghiện vẫn còn có những hạn chế cần phải sửa đổi. Chẳng hạn, cần tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ các cơ sở cai nghiện. Bởi, hiện nay còn khá nhiều cán bộ, nhân viên chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về quản lý, điều trị người sử dụng, người nghiện ma túy tổng hợp. Số lượng cán bộ, nhân viên có hạn nên họ phải kiêm nhiệm nhiều việc khiến chất lượng dịch vụ hạn chế. Tại các cơ sở CNMT tự nguyện do các tổ chức và cá nhân thành lập, lực lượng cán bộ hạn chế, quy mô nhỏ nên chưa đủ điều kiện tiếp nhận, điều trị những trường hợp có biểu hiện loạn thần và còn khó khăn trong việc quản lý những đối tượng có hành vi gây rối. Ngoài ra, một số cơ sở CNMT tự nguyện đặt trong khu đông dân cư nên gây khó khăn cho công tác quản lý.    

PHÚC THẮNG