Chuyển đổi số - không phải trào lưu “bắt trend”
"Trend" có thể hiểu đơn giản là xu hướng, xu thế về một vấn đề, sự kiện nào đó trong đời sống xã hội hoặc một lĩnh vực nhất định. Gần đây, cụm từ chuyển đổi số (CĐS) hiện hữu ở nhiều lĩnh vực hoạt động của Đoàn, trong các phong trào tuổi trẻ, khiến một số ý kiến nghi ngại rằng, đây phải chăng chỉ là trào lưu “bắt trend” của giới trẻ? Phủ nhận luồng dư luận trên, các tổ chức đoàn và ĐVTN đã khẳng định vai trò tiên phong CĐS bằng những việc làm cụ thể.
Tham dự chương trình tập huấn “Hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán điện tử cho cán bộ, ĐVTN” do Thị đoàn La Gi (Bình Thuận) tổ chức, chúng tôi chứng kiến sự háo hức của các bạn trẻ. Tại đây, mỗi cán bộ, ĐVTN được hướng dẫn đăng ký tài khoản điện tử tại Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Thuận; cách thiết lập, nộp hồ sơ trực tuyến cũng như việc tra cứu, theo dõi quá trình xử lý hồ sơ và quản lý các thủ tục hành chính đã nộp.
Theo đồng chí Thái Thành Bi, Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Bình Thuận, tổ chức đoàn ở 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Cụ thể, triển khai 124 đội hình hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp tại trung tâm phục vụ hành chính công; hơn 200 đội hình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các địa điểm công cộng.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong các phong trào hành động của tổ chức đoàn, Thành đoàn Hà Nội tích cực triển khai các hoạt động "Tiên phong CĐS", với việc đặt ra 11 chỉ tiêu cơ bản, tổ chức 12 hoạt động cấp thành phố, tập trung vào 4 nhóm hoạt động trọng tâm. Tại các cơ sở đoàn, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai, như: Gian hàng trải nghiệm sản phẩm đổi mới sáng tạo, CĐS; tuyên truyền về định danh điện tử, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia...
Hưởng ứng chủ đề Tháng Thanh niên, toàn Đoàn chú trọng CĐS trong công tác tuyên truyền, điểm nhấn là sử dụng ứng dụng di động "Thanh niên Việt Nam"; xây dựng bản đồ số, số hóa nhiều tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) để nắm bắt xu hướng, thị hiếu ĐVTN, đồng thời xây dựng các báo cáo, khảo sát trên không gian mạng về những vấn đề tuổi trẻ quan tâm cũng như dự báo xu hướng trong thời gian tới.
Cần sự "thay đổi có tính chất phá hủy"
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, lực lượng ĐVTN tích cực, chủ động, sáng tạo và tiên phong đưa công nghệ, nội dung số vào quá trình công tác, học tập, nghiên cứu, sản xuất, tổ chức hoạt động phong trào, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, như: Tổ chức một số cuộc thi thông qua hình thức trực tuyến; truyền thông các hoạt động, định hướng, chỉ đạo đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; xây dựng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu sản xuất, kinh doanh dịch vụ số, sản phẩm số, sản phẩm công nghệ cao...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai CĐS trong tổ chức đoàn trên phạm vi cả nước còn gặp một số khó khăn và chưa đồng bộ. Một phần nguyên nhân trở ngại đó là cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình CĐS chưa được đầy đủ ở nhiều vùng miền, tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị. Một bộ phận ĐVTN ngại thay đổi trong việc tìm tòi, học hỏi và ứng dụng công nghệ, chưa mạnh dạn nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó để thể hiện vai trò, năng lực của tuổi trẻ...
Để góp phần giải quyết thực trạng trên, đồng thời đẩy mạnh phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong quá trình CĐS, Trung ương Đoàn đang xây dựng Đề án "Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023-2030". Với nhiều nhóm giải pháp, đề án hướng tới mục tiêu hỗ trợ thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong môi trường số.
Nhận định về vấn đề này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, muốn CĐS thành công phải có những con người làm việc được trong môi trường số, trong đó hai yếu tố quan trọng là về nhận thức số và năng lực số. CĐS được xem là "thay đổi có tính chất phá hủy", tức là thay đổi hoàn toàn phương thức học tập, làm việc cũ.
Do đó, nếu nhận thức không đúng vai trò thì không có quyết tâm thực hiện thay đổi. Năng lực số chính là năng lực sử dụng máy tính, công nghệ thông tin, thông tin-truyền thông; thái độ, kiến thức, kỹ năng giúp ĐVTN học tập, làm việc được trong môi trường số. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của Đoàn và các tổ chức khác là tạo môi trường để tuổi trẻ rèn luyện nâng cao năng lực số. Từng ĐVTN cần có ý thức tham gia vào quá trình CĐS, tạo bứt phá từ nâng cao nhận thức số và năng lực số.
HIỀN ANH